Áp lực đặt lên vai CEO Meta ngày càng tăng khi khoản đầu tư dành cho metaverse ngày càng lớn. Ảnh: Business Insider.
Thông tin này được đưa ra ngay khi nhà sáng lập Meta đối mặt với hàng loạt áp lực từ các nhà đầu tư, chỉ trích ông đã đổ quá nhiều tiền vào vũ trụ ảo metaverse.
Rộ tin Mark Zuckerberg từ chức
Cụ thể, tin đồn Mark Zuckerberg rời ghế CEO được tiết lộ đầu tiên trên trang tin The Leak vào 21h ngày 23/11. Bài báo đã dẫn lời từ một nguồn tin giấu tên, cho biết “Zuckerberg đã quyết định từ chức vào năm 2023” do lợi nhuận công ty liên tục sụt giảm.
Áp lực đặt lên vai CEO Meta ngày càng tăng khi khoản đầu tư dành cho metaverse ngày càng lớn. Vũ trụ ảo chính là nguyên nhân chính khiến tập đoàn công nghệ liên tục sụt giảm tăng trưởng trong 2 năm trở lại đây. Nhưng quyết định từ chức sẽ “không ảnh hưởng đến metaverse, dự án trị giá hàng tỷ USD của Zuckerberg”, The Leak cho biết.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu Meta đã tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch, ở mức 112,24 USD/đơn vị và tăng 1,44% khi kết thúc phiên. Đại diện Meta cũng ngay lập tức phủ nhận tin đồn thất thiệt về sự rời đi của CEO Mark Zuckerberg. “Thông tin này là sai sự thật”, đại diện Andy Stone của tập đoàn khẳng định.
Thông tin Mark Zuckerberg từ chức đã bị phủ nhận ngay sau đó.
Theo New York Post, Zuckerberg hiện nắm giữ 54% cổ phần của Meta. Điều này đồng nghĩa với việc ông có thể quyết định mọi thay đổi trong công ty mà không cần quan tâm đến ý kiến của các cổ đông.
Tuy nhiên, cổ đông Meta đã nhiều lần bày tỏ bất mãn khi tập đoàn tiêu tốn quá nhiều chi phí vào công nghệ metaverse giữa bối cảnh lợi nhuận giảm và nền kinh tế toàn cầu lao đao. “Nếu là công ty khác, các nhà đầu tư sẽ viết thư phản đối, đề xuất các phương án thay thế và yêu cầu thay đổi chính sách”, Jim Tierney, một cổ đông của Meta, nói với Financial Times.
Chuyên gia nhận định Mark Zuckerberg nên rời khỏi Meta
Hôm 31/10, trong báo cáo gửi đến cổ đông, tập đoàn công nghệ đã cảnh báo khoản lỗ đến từ phòng Reality Labs, chuyên phát triển metaverse, sẽ còn tăng cao trong năm tới với chi phí đầu tư cũng tăng khoảng 39 tỷ USD.
Mới đây, công ty mẹ Facebook còn sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người, nỗ lực cắt giảm chi phí giữa bối cảnh công ty lao dốc. "Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử của Meta", vị CEO viết trong bức thư. "Tôi đã quyết định giảm quy mô lực lượng lao động khoảng 13%, và để hơn 11.000 nhân viên tài năng rời khỏi công ty", ông cho biết.
Mark Zuckerberg là nguyên nhân đẩy Meta đến bờ vực sụp đổ. Ảnh: AP.
Zuckerberg cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý I/2023. Đồng sáng lập công ty thừa nhận sai lầm khi đánh giá quá cao khả năng tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng thừa nhân viên. "Tôi đã sai, xin chịu trách nhiệm về việc này", Zuckerberg nói.
Nói với CNBC, Bill George, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Harvard Business School, cho rằng khả năng lãnh đạo tồi tệ của Mark Zuckerberg đang kéo Meta xuống vũng lầy thất bại. “Tôi nghĩ Facebook sẽ không thể khá hơn nếu Zuckerberg vẫn còn ngồi trên ghế giám đốc. Anh ta chính là một trong những lý do khiến mọi người quay lưng với công ty này. Zuckerberg đã đi sai đường”, ông khẳng định.
Cây bút Linette Lopez của Bloomberg cũng cho rằng Mark Zuckerberg nên rời ghế CEO của Meta, để người khác lên nắm quyền quản lý các trang mạng xã hội. Bà cho rằng Zuckerberg hiện không tập trung vào những sản phẩm chủ lực của công ty như Facebook, Instagram. CEO Meta đang đắm chìm vào metaverse, cho rằng đây sẽ là tương lai của tập đoàn.
Ông còn là một nhà lãnh đạo độc tài khi muốn mọi thứ phải theo ý mình. Zuckerberg yêu cầu mọi khâu phát triển metaverse đều phải thông qua ông. Thậm chí, nhân viên Meta còn gọi dự án metaverse là dự án chỉ để “Làm Mark Vui”.
“Đây sẽ là phong cách lãnh đạo phù hợp cho một startup nhỏ. Nhưng với vị trí CEO của một công ty lọt top Fortune 500, cách quản lý này sẽ tạo ra nhiều vấn đề”, Linette Lopez nói.