Tiếp nối những diễn biến tiêu cực của tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục gặp áp lực bán tháo mạnh mẽ trong phiên đầu tuần. Các chỉ số sớm chìm trong sắc đỏ và càng lúc mở rộng đà rơi khi lực cầu yếu ớt.
Những mối quan ngại về lạm phát dẫn đến suy thoái kinh tế, các yếu tố vĩ mô quốc tế như FED tăng lãi suất đang có xu hướng thắt chặt cũng gây sức ép phần nào đến kinh tế nội địa.
Vào cuối phiên sáng, VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm (sau hơn một tháng đạt được), từ đó kích hoạt làn sóng bán tháo trong phiên chiều. Chỉ số này đóng cửa mất 36,9 điểm (-3,03%) về 1.180,4 điểm.
Diễn biến tương tự cũng xuất hiện trên các sàn tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index lao dốc 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm và UPCoM-Index giảm 1,91% về 85,44 điểm.
Áp lực bán xuất hiện gần như toàn thị trường, từ các nhóm vốn hóa lớn đến nhỏ, từ cổ phiếu bất động sản, năng lượng, thép, đến cổ phiếu chứng khoán, đầu cơ... Rổ vốn hóa lớn nhất VN30 hôm nay rơi 2,58% với 27/30 mã giảm giá.
Cổ phiếu năng lượng sau chuỗi tăng ấn tượng đã chịu áp lực điều chỉnh, không còn trụ vững trước áp lực bán tháo diện rộng. Trong đó dẫn đầu là GAS của PV Gas bất ngờ giảm sàn về 124.700 đồng là mã có tác động xấu nhất đến chỉ số.
Tương tự là các mã dầu khí khác như PVC, PVS, PVD, PVT, PXT, PXS... đều giảm hết biên độ cho phép. Cổ phiếu sản xuất điện như POW, NT2, KHP, REE, BCG, PC1... cũng đảo chiều từ sắc xanh sang giảm kịch sàn.
Nhóm cổ phiếu thép trong trạng thái tâm lý yếu cũng tiếp tục bị bán tháo trong phiên đầu tuần. Mã đầu ngành HPG của Hòa Phát rơi về giá thấp nhất phiên tại 21.600 đồng và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
HSG của Hoa Sen cũng giảm sàn về 14.750 đồng, nối dài chuỗi 7 phiên giảm sâu liên tục (trong đó 5 phiên sàn). Không khá khẩm hơn khi NKG, SMC, TLH cũng nối dài chuỗi rơi bằng thêm một phiên giảm sàn.
Cổ đông ngành chứng khoán cũng trong chuỗi ngày chịu khổ khi hàng loạt mã vẫn trong trạng thái tháo chạy. Các mã vốn hóa lớn như SSI, HCM, VND, VCI đến các mã nhỏ hơn như MBS, AGR, VIX, CTS... đều giảm kịch sàn.
Và còn nhiều nhóm ngành khác cũng chịu áp lực bán tháo đáng kể như ngân hàng có STB giảm sàn, BID rơi 6,6%, TCB giảm 4,3%. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng NLG, DIG, CEO, DXG, CII, HQC, QCG, VCG, CTD, C4G, FCN... giảm hết biên độ. Cổ phiếu phân bón có DCM, BFC, NFC kết phiên trong sắc xanh lơ.
Cổ phiếu đầu cơ cũng chìm trong không khí ảm đạm khi lực bán sàn rất lớn. Nhóm FLC Group ghi nhân toàn bộ 6 mã có thanh khoản giảm sàn. Nhóm Apec giảm hết biên độ. Nhóm Tasco có NVT, JVC trong sắc xanh lơ. Các mã OGC, HNG, DAG, SJF... giảm kịch sàn.
Điểm sáng của thị trường không quá nhiều, trong đó nổi bật lên là mã VNM của Vinamilk tăng giá 3,4% lên 69.000 đồng và VJC của Vietjet có thêm 1,7% đạt 127.000 đồng, là 2 mã có đóng góp tích cực nhất.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến các cổ phiếu thủy sản đã đi ngược xu hướng thời gian qua. Nhóm xuất khẩu cá tra ghi nhận ACL tăng trần, IDI có thêm 2,75, VHC tiến 0,7%. Nhóm xuất khẩu tôm có MPC bứt phá 7,1%, THP tiến 7,8%, FMC đi lên 2,6%.
Ngoài ra, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng gây bất ngờ khi tăng 3,2% lên 7.200 đồng sau thông tin kinh doanh tích cực. Nhóm Luois cũng đem lại niềm vui với TGG, BII, VKC tăng trần.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 18.550 tỷ đồng . Khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE, tập trung xả các mã HPG, MWG và VND.
Trước phiên giao dịch Chứng khoán Tân Việt nhận định thị trường trong ngắn hạn vẫn đang hàm chứa quá nhiều rủi ro. Chiến thuật hợp lý thiên về duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (<= 50% tài khoản) và chờ đợi cơ hội gia tăng tỷ trọng đang tới gần.
Chứng khoán Kiến Thiết nhận thấy mức độ rủi ro vẫn đang rất lớn khi VN-Index bị công phá mạnh mẽ tại ngưỡng hỗ trợ 1.200. Đơn vị duy trì quan điểm đứng ngoài, hạn chế bắt đáy, thậm chí ưu tiên vị thế căn bán khi thị trường hồi.