Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm dưới mốc tham chiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngược dòng khá ngoạn mục vào cuối phiên chiều. Chốt phiên, VN-Index tăng 5,95 điểm (+0,57%), lên 1.040,8 điểm; HNX-Index tăng 1,16 điểm (+0,57%), lên 205,84 điểm; UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 78,01 điểm.
Là một trong những nhóm trụ cột kéo điểm thị trường, nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng giá tốt trong phiên hôm nay. Kết phiên, toàn ngành ghi nhận 17 mã tăng giá, 7 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Cụ thể, LPB dẫn đầu toàn ngành khi tím trần 6,9% đạt 14.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu khác cũng bật tăng giá tốt như TCB (+3,4%), HDB (+3%), VIB (+2,3%), SHB và STB (+1,4%), BID (+1,3%), CTG (+1,2%),…
Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank bật tăng mạnh khi ngân hàng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào sáng nay (26/4). Tại cuộc họp, ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lãi trước thuế 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với thực hiện năm trước.
Đồng thời, cổ đông HDBank cũng tán thành phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25% (tiền mặt với tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%). ĐHĐCĐ HDBank cũng thông qua nhiều vấn đề quan trọng khác như mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán và kế hoạch tiếp tục tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, SGB giảm sâu nhất ngành ngân hàng khi mất 2,9% giá trị. Các mã CTG, SSB, OCB, MSB cũng ghi nhận sắc đỏ.
Thanh khoản nhóm ngân hàng vẫn ở mức thấp với SHB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch khớp lệnh (14,5 triệu cp). Đứng kế sau SHB lần lượt là STB (12,4 triệu cp), LPB (7,9 triệu cp), VPB (7,9 triệu cp), MBB (5 triệu cp);
Khối ngoại hôm nay mua ròng mạnh tại nhiều mã ngân hàng như VCB (92,5 tỷ đồng), STB (55,4 tỷ đồng), VPB (11,4 tỷ đồng). Trong khi bán ròng tại CTG (15,7 tỷ đồng) và sang tay nội khối gần 4 triệu cổ phiếu MBB theo phương thức thỏa thuận.
Cổ phiếu ngân hàng được cho là nhóm hưởng lợi từ các chính mới bàn hành về việc giãn/hoãn nợ và cho phép ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Chứng khoán VnDirect, các chính sách mới này sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay, từ đó tác động tích cực lên một số các ngân hàng.
Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.
Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản /vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp trong thời điểm này.