Cú ngược dòng ngoạn mục phiên 8/3 mang đậm dấu ấn của nhóm cổ phiếu tài chính khi đóng góp đến 6,7/11,3 điểm tăng thêm của VN-Index. Một loạt cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG, VCB, VPB, STB, MBB,…) và chứng khoán (SSI, VND, HCM, VCI, MBS,…) cùng đảo chiều tăng mạnh từ vùng giá đỏ, nhiều cái tên còn đóng cửa cao nhất phiên.
Đà tăng lan toả rộng trên bộ đôi ngân hàng và chứng khoán là một tín hiệu tương đối lạc quan đối với thị trường trong bối cảnh thiếu đầu tàu dẫn dắt để đi lên. Còn quá sớm để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào nhưng cũng không loại trừ khả năng phiên khởi sắc vừa qua có thể là điểm khởi đầu cho một con sóng.
Mức định giá tương đối hấp dẫn là một trong những điểm tựa cho nhóm tài chính. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đều đang có P/B dưới 1,5 lần, trừ một vài cái tên cá biệt. Con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021, thời điểm một loạt cổ phiếu nhóm này có P/B trên 3 lần.
Mức định giá mềm giúp tăng sức đề kháng cho các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trước áp lực điều chỉnh. Theo MBKE, hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện giao dịch gần mức định giá thấp nhất trong 10 năm qua, tương đương giai đoạn 2011-2012, trong khi bảng cân đối kế toán hiện tại của các ngân hàng Việt Nam đang tốt hơn đáng kể và bức tranh vĩ mô không còn xấu như 11 năm trước. “Điều tệ nhất đã được phản ánh phần lớn vào giá” – MBKE nhận định.
Tuy nhiên, yếu tố này chưa đủ để châm ngòi cho một sự bùng nổ, đặc biệt trong bối cảnh tiền vào thị trường ngày càng heo hút. Thanh khoản đang có xu hướng giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE trong tháng 2 chỉ đạt khoảng 8.600 tỷ đồng/phiên, giảm 10% so với tháng trước. Con số này tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Ngân hàng và chứng khoán vốn là 2 nhóm cổ phiếu “ngốn” thanh khoản bậc nhất sàn chứng khoán bởi đặc thù có lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) rất lớn. Những lần nổi sóng của nhóm này trong vài năm trở lại đây đều diễn ra trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, thị trường giao dịch rất sôi động. Do đó, nút thắt thanh khoản sẽ là một yếu tố quan trọng cần được tính đến khi chờ đợi một con sóng thực sự trên các cổ phiếu tài chính.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường còn có tác động trực tiếp đến các mảng hoạt động chính của các công ty chứng khoán, đặc biệt là môi giới và cho vay. Giá trị giao dịch và số lượng tài khoản mở mới liên tục sụt giảm thời gian qua đã làm hẹp đáng kể nguồn thu từ hoạt động môi giới. Bên cạnh đó, nhu cầu dùng đòn bẩy của nhà đầu tư chưa trở lại sau làn sóng call margin trên diện rộng tại nhiều thời điểm trong năm ngoái.
Nhóm ngân hàng cũng đang có những thách thức nhất định. VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. CTCK này giữ lập trường thận trọng với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do tác động từ căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu.
Tương tự MBKE cũng dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022, trước những áp lực giảm biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.
MBKE không kỳ vọng một đợt sóng tăng lớn và ổn định đối với nhóm ngân hàng trong năm 2023. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng đây là cơ hội 10 năm có một để tích lũy các cổ phiếu ngân hàng chất lượng để đón đầu triển vọng nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam thời gian tới.