Cho đến sáng nay thị trường vẫn không tìm thấy thông tin bất lợi gây sốc nào để lý giải trạng thái bán tháo hôm qua. Những phút đầu tiên cung cầu còn giằng co với dòng tiền bắt đáy xuất hiện, thậm chí còn 3 nhịp đẩy VN-Index phục hồi vượt tham chiếu. Tuy nhiên càng về sau áp lực bán càng tăng lên. Mặt khác, độ rộng cho thấy những nhịp kéo xanh ở chỉ số thuần túy là nhờ nhóm trụ lớn, chứ không phải cổ phiếu nói chung phục hồi. Trọn phiên sáng nay số mã giảm luôn gấp nhiều lần số mã xanh. Chốt phiên sáng VN-Index chỉ có 64 mã tăng/423 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi sớm nhất sáng nay, thậm chí nhóm này có lúc tới 20/27 mã tăng giá. Tuy nhiên sức ép về nửa sau của phiên đã đẩy nhiều cổ phiếu thoái lui, hiện chỉ còn 8 mã đang tăng, đại đa số là các mã trong rổ VN30.
Dẫn đầu nhóm là LPB tăng 2,41% nhưng vốn hóa hạn chế nên chỉ đóng góp khoảng 0,3 điểm cho VN-Index. Mạnh nhất là BID đang tăng 2,21%, đem lại hơn 1,5 điểm cho chỉ số chính nhưng lại chỉ đỡ 0,24 điểm cho VN30-Index. Ngược lại VPB tăng 0,81% chỉ cộng 0,23 điểm cho VN-Index nhưng lại kéo 0,81 điểm cho VN30-Index. TCB tăng 0,79%, ACB tăng 0,56%, STB tăng 0,55% là các mã khác đỡ VN30 tốt hơn.
Dù vậy lực giảm vẫn áp đảo ở rổ blue-chips này. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,19% với 11 mã tăng/17 mã giảm. VIC rơi tới 3,51%, MWG giảm 2,2%, MSN giảm 2,24%, SAB giảm 1,82%, VHM giảm 1,53% đều là các trụ khá lớn tới rất lớn.
Mặc dù yếu tố vốn hóa đang khiến VN-Index tiếp đà lao dốc, nhưng đà giảm giá cũng lan rất rộng trên cả bảng điện với bằng chứng rõ nhất là độ rộng thể hiện số giảm giá nhiều gấp 6,6 lần số tăng giá. Tới 166 cổ phiếu trong VN-Index giảm quá 2% và 60 cổ phiếu khác giảm từ 1% tới 2%. Đây là mức độ tổn thưởng rất lớn đối với nhà đầu tư, bất kể các chỉ số thể hiện thế nào.
Thanh khoản sàn HoSE sáng nay cũng tăng 37% so với sáng hôm qua, đạt 13.509 tỷ đồng. So với áp lực bán chiều qua thì thanh khoản này cũng đã giảm khoảng một phần ba (-34%) nhưng rõ ràng bên bán đang buộc phải bán hạ giá mới có thể tìm đủ thanh khoản mà thoát ra. Thống kê trên HoSE cho thấy tới 56% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay vẫn đang chốt ở giá thấp nhất hoặc chỉ cách giá thấp nhất trong khoảng 1-2 bước giá. Nói cách khác, lực cầu bắt đáy có xuất hiện, nhưng mua thụ động và không chấp nhận nâng giá lên nhiều. Lúc này thanh khoản cao hay thấp là do bên bán quyết định chọn giá nào.
Toàn sàn HoSE hiện có 36 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 29 mã đỏ, với 26 mã giảm quá 1%. Nhóm bất động sản đang có áp lực rất cao, DIG, NVL, DXG, TCH, VCG, PDR nằm trong số các mã giảm sâu nhất và thanh khoản cao nhất thị trường.
Trong 64 mã ngược dòng, ngoài ngân hàng thì không nhiều cổ phiếu có được lực cầu tốt và thanh khoản cao. SIP tăng 2,48%, CTS tăng 1,59%, TV2 tăng 0,83%, DGC tăng 0,81%, FPT tăng 0,36% là số ít nổi hơn các mã còn lại.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay đã tăng mua vào, giải ngân 1.054,6 tỷ đồng trên sàn HoSE, nhờ đó co hẹp mức ròng lại còn -57,6 tỷ. Các mã vẫn đang bị bán nhiều là VNM -49,7 tỷ, NKG -34,7 tỷ, HSG -27,5 tỷ, VHM -25,3 tỷ, VIC -23,9 tỷ, VRE -21,2 tỷ, STB -21,2 tỷ, TCH -20,5 tỷ, VCB -20,1 tỷ. Bên mua ròng có DGC +45,3 tỷ, KDH +26,6 tỷ, SSI +21,9 tỷ, EVF +20,1 tỷ.