Phiên giao dịch 12/10 ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau nhiều ngày giảm sâu.
Kết phiên, toàn ngành có 25 mã tăng giá, 1 mã giảm và 1 mã đóng cửa ở giá tham chiếu. Trong đó có 8 mã tăng trần là LPB, ACB, MBB, STB, SHB, BID, CTG, MSB. Riêng NVB do giao dịch trên HNX nên có mức tăng lên tới 8,9%.
Ngoài những mã kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ''xanh'' trên 3% như PGB (+6,4%), SSB (+6,3%), TPB (+5,9%), SGB (+4,9%), VPB (+4,2%), BVB và OCB (+4,1%), HDB và NAB (cùng tăng 3,7%), TCB (+3,3%), VCB (+3,2%).
Mã duy nhất giảm giá trong phiên hôm nay là KLB với chỉ vỏn vẹn 3.300 đơn vị được giao dịch. Trong khi EIB đóng cửa tại giá tham chiếu 37.000 đồng/cp.
Phiên hồi phục diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh 9 tháng đang được các ngân hàng dần công bố.
Theo đó, SHB mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 3 quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
TPBank cũng thông báo lợi nhuận trước thuế 9 tháng ở mức 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ (+35%) và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.
Tại Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong quý 3 vừa qua bất chấp lãi suất tăng gây áp lực lên NIM. Trong đó, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận BIDV có thể gấp hơn 2 lần cùng kỳ, còn Vietcombank, MB, ACB, VPBank, Techcombank sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục %.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng tiếp tục ở mức cao nhờ áp lực trích lập dự phòng giảm.
Theo ACBS, lãi suất huy động đang tăng lên, tuy nhiên các ngân hàng sẽ kiểm soát tốt chi phí vốn nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao (CASA). Đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ CASA rất cao như Techcombank (47,5%), MB (44,3%), Vietcombank (36,5%) và MSB (34,4%). Lãi suất cho vay cũng có thể tăng thêm trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang ở mức cao. Trong khi đó, hạn mức tín dụng eo hẹp khiến các ngân hàng thương mại phải chọn lọc khoản vay có lãi suất tốt. Vì vậy, ACBS kỳ vọng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng sẽ đi ngang hoặc cải thiện nhẹ so với năm 2021.
Nhóm phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải do rủi ro lạm phát đang gia tăng. Tuy nhiên các hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư và thu hồi nợ ngoại bảng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.
ACBS cho biết áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể so với năm 2021 và đây sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân áp lực dự phòng giảm đến từ chất lượng tài sản cải thiện. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 duy trì ở mức ổn định, trong khi nợ tái cơ cấu do COVID-19 có xu hướng giảm dần kể từ sau dịch bệnh. Bộ đệm dự phòng ngày càng lớn.
''Chúng tôi nhận thấy nhiều ngân hàng lớn đã trích lập 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, Sacombank,... Do đó, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu này là không còn đáng kể trong năm 2022'', nhóm phân tích cho hay.