Trong đó, NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB) là mã giảm mạnh nhất ngành, mất 9,9% trong tuần. Cổ phiếu này đóng cửa ngày 6/10 ở giá 11.800 đồng/cp, thấp nhất trong 2 năm.
Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm gần 5% trong tuần qua như BID của BIDV (-4,8%), TCB của Techcombank (-4,8%), CTG của VietinBank (-4,5%). Bên cạnh đó, cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường là VCB của Vietcombank cũng giảm tới 2,4% trong tuần qua.
Chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá là STB của Sacombank (+1%), BVB của BVBank (+1%), MSB (+0,7%).
Cổ phiếu STB có sự hồi phục nhẹ sau khi giảm mạnh gần 7% trong tuần trước đó (25/9-29/9). Thanh khoản STB trong tuần đạt gần 2.500 tỷ đồng, tiếp tục cao nhất trong nhóm ngân hàng. Khối ngoại có động thái trở lại mua ròng STB, tập trung trong phiên giao dịch cuối tuần (hơn 1,2 triệu đơn vị). Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 400 nghìn cổ phiếu STB trong tuần qua.
Trong diễn biến khác, STB vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh 8 tháng đầu năm. Ngân hàng ước lãi 6.175 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng 56% so với cùng kỳ.
MSB cũng là mã hiếm hoi vừa tăng giá, vừa ghi nhận khối ngoại mua ròng trong tuần qua. Cổ phiếu này đóng cửa tuần ở giá 13/850 đồng/cp, tăng 0,7% so với cuối tuần trước. Thanh khoản MSB ổn định với giá trị giao dịch khớp lệnh trong tuần đạt 330 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng MSB trong 4/5 phiên, tính chung trong tuần mua ròng 152 nghìn cp.
Thanh khoản khớp lệnh cổ phiếu nhóm ngân hàng tuần qua chưa có dấu hiệu hồi phục, đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng/phiên. Hầu hết các mã ghi nhận giá trị giao dịch đi ngang hoặc sụt giảm so với giai đoạn đầu tháng 9. Trong khi đó, thanh khoản của HDB lại tăng khá mạnh kể từ nửa cuối tháng 9 đến nay. Giá trị giao dịch khớp lệnh cổ phiếu HDB trong tuần đầu tháng 10 đạt 738 tỷ đồng, gần gấp đôi tuần giao dịch đầu tháng 9.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các ngân hàng đang là thông tin được nhà đầu tư quan tâm. Dự kiến trong vài tuần tới, các ngân hàng sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2023 do NHNN công bố, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Cụ thể, 66,7-72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ trước), đồng thời, số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh ”suy giảm” cũng tăng lên.
Trong năm 2023, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022, bên cạnh đó, vẫn có 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Kết quả điều tra kỳ này cũng cho thấy các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý III/2023 có biểu hiện “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2023.