Vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2022. Ngay sau đó, cổ phiếu nhiều ngân hàng đồng loạt tăng mạnh.
"CHẠY ĐUA" TĂNG VỐN
Ngày 23/8, ngân hàng MB sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MB dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ kể trên, MB sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 sau BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Trong khi đó, lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, từ mức 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022 để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.
Cũng trong nửa đầu tháng 8/2022, HDBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ lên 25.503 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Danh sách tiếp tục nối dài với Kienlongbank khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 578 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn, Kienlongbank nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng như SeABank, Techcombank, ACB, Vietcapital Bank, OCB… đều được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Các phương án tăng phổ biến của nhóm ngân hàng này là chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Việc "chạy đua" tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ từ nhiều năm. Thời gian qua, nó càng nổi bật khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được công bố.
Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ - trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Mặt khác, các kế hoạch tăng vốn là cần thiết để giúp ngân hàng gia tăng tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.
Nhìn chung, cuộc “chạy đua” tăng vốn được giới chuyên môn nhận định sẽ chưa dừng lại. Có thể một vài thời điểm bị chùng xuống nhưng sẽ được tái khởi động hàng năm.
CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG BỨT TỐC
Theo Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, nếu kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được thực hiện thành công, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu.
Thực tế, từ đầu tháng 8/2022, thời điểm hàng loạt quyết định chấp thuận tăng vốn điều lệ công bố, cổ phiếu ngân hàng phản ứng khá tích cực.
Điển hình như phiên giao dịch ngày 15/8, có tới 22/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong khi chỉ 4 mã đứng giá tham chiếu và 1 mã giảm giá. Trong đó, SHB tăng kịch biên độ; BID tăng 4,6%; HDB tăng 3,5%... Ngoài ra, với sự bùng nổ khối lượng giao dịch ở những cổ phiếu như SHB, HDB, VPB…thanh khoản toàn ngành đạt 3.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Luỹ kế từ tháng 8 đến nay, một số cổ phiếu gần quay về vùng đỉnh như VCB tăng 13% và đang giao dịch quanh 81.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ngành ngân hàng khác cũng tăng mạnh gồm KLB tăng 12,7%; BID tăng 9,9%; CTG tăng 8,2%; SHB tăng 8,5%; MBB tăng 6,6%; LPB tăng 6,2%... Mức hồi phục của nhóm ngân hàng tốt hơn so với chỉ số VN-Index hồi 5,6% trong cùng thời điểm.
Ước tính theo kế hoạch các công bố, hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ năm nay.
Trong ngắn hạn, ngoài động lực từ hoạt động tăng vốn điều lệ, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, vọng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 sẽ là bộ đệm tiếp tục hỗ trợ cho tính hấp dẫn của định giá, cũng như giá cổ phiếu của các ngành ngân hàng, hàng không.
Theo đó, VDSC dự báo xu hướng tăng giá của nhóm ngân hàng vẫn có thể được duy trì trong ngắn hạn và ngành ngân hàng sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường nhờ giá vẫn ở vùng chiết khấu tốt và tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tích cực.
Nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá, tại thời điểm cuối quý 2/2022, các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu.
Tuy nhiên, SSI cũng nhấn mạnh, trong bối lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022. Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành. SSI đánh giá cơ hội đầu tư dài hạn vào ACB và VCB, những ngân hàng có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức tương đối thấp.