Thị trường quay lại trạng thái giao dịch lình xình trong phiên sáng nay với mức thanh khoản giảm đáng kể 11% trên HoSE. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index trong khi nhóm Vin và một số mã bất động sản khác nỗ lực cân bằng không thành công.
VN-Index kết phiên sáng giảm nhẹ 0,76 điểm và độ rộng vẫn duy trì khá cân bằng với 215 mã tăng/218 mã giảm. Trạng thái đi ngang tiếp diễn và không bên nào thực sự chiếm ưu thế, dù nhóm blue-chips có tín hiệu yếu hơn. VN30-Index đang chốt giảm 0,18% chỉ với 7 mã tăng và 17 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có ảnh hưởng xấu khi chỉ có 5/27 mã nhóm này tăng giá. Các trụ giảm tác động lên VN-Index là VCB giảm 0,23%, BID giảm 0,23%, VPB giảm 0,25%, CTG giảm 0,17%, CTG giảm 0,48%. Đây là các cổ phiếu đều thuộc Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường. Ngoài ra GAS giảm 0,51%, HPG giảm 0,55% cũng tạo thêm ảnh hưởng kéo điểm số xuống.
Trong nhóm trụ, duy nhất VHM tăng 1,41%, VIC tăng 0,24% là đang đỡ điểm tốt nhất. Ngoài ra VRE cũng tăng 0,88%. Ngoài 3 mã bất động sản này, thêm NVL tăng 3,46% cũng là điểm sáng.
Tổng thể sự phân hóa trên thị trường khiến không nhóm cổ phiếu nào mạnh nổi bật, đều xen kẽ tăng giảm. Ngay với cổ phiếu bất động sản, loạt DXS, HDG, CEO, DRH, TCH, VHM, KHG, HAR, CRE… tăng trên 1%, nhưng cũng có cả loạt mã “đỏ đậm” như QCG, ITC, PDR, NLG, SZL, DIG… Cổ phiếu ngân hàng dù đại đa số giảm, vẫn có TPB, PGB tăng trên 1%. Chứng khoán cũng vậy, các mã nhỏ như PHS, SBS, BMS, APG, APS, VIG, EVS tăng trên 1% thì các blue-chips của nhóm này như SSI, VND, FTS, VCI, BSI, CTS, MBS… cũng đang giảm, nhiều mã giảm trên 1%.
Do trạng thái phân hóa này khiến việc đánh giá thị trường chung trở nên khó khăn, tùy thuộc vào cổ phiếu cụ thể mà nhà đầu tư sẽ có cảm nhận khác nhau. Nếu thuần túy nhìn qua chỉ số VN-Index, biên độ tăng mấy ngày nay rất chậm vì có sự cản trở từ nhóm blue-chips, nhưng rất nhiều cổ phiếu đạt hiệu suất lợi nhuận cao. Dù chỉ số mới lấy lại được một nửa mức giảm kể từ đỉnh ngắn hạn tuần trước thì đã có những cổ phiếu vượt xa đỉnh này.
Với mức thanh khoản sụt giảm 11% trên HoSE, dòng tiền đang vận động chậm và trạng thái giao dịch gần giống với phiên sáng hôm qua. Tình thế chỉ có thể thay đổi nếu một bên giao dịch quyết liệt hơn, bất kể là mua hay bán. Các lệnh mua lẫn bán hiện vẫn đang treo giá thụ động là chính khiến cung cầu không gặp nhau nên biên độ giá cũng nhỏ. Thống kê tại HoSE, chỉ có 45/218 cổ phiếu giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 21,7% tổng khớp của sàn. Phía tăng có 74/215 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 32%.
Tuy vậy nhóm tăng tốt nhất nói trên cũng chỉ có khoảng một phần ba (22 mã) đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Giao dịch chủ yếu tập trung vào NVL tăng 3,46% với 506,2 tỷ; VHM tăng 1,41% với 106,2 tỷ; DBC tăng 2,92% với 125,8 tỷ; PVT tăng 2,15% với 90 tỷ; HAG tăng 1,28% với 85,3 tỷ…
Phía giảm, các giao dịch lớn cũng chỉ có DIG giảm 1,13% với 371,6 tỷ; SSI giảm 1,06% với 304,4 tỷ; PDR giảm 1,4% với 301,5 tỷ; VND giảm 1,14% với 271,2 tỷ; NLG giảm 1,31% với 82,1 tỷ…
Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch chậm nhưng bán ròng nhiều hơn. HoSE ghi nhận mức rút ròng 246,1 tỷ đồng trong khi sáng hôm qua chỉ bán ròng 112,5 tỷ. Dù vậy giao dịch cũng không quá rộng, hầu hết tập trung vào VHM -55 tỷ, VRE -23,7 tỷ, MWG -20,9 tỷ. Phía mua không có cổ phiếu nào được mua ròng quá 10 tỷ đồng.
Với nền thanh khoản tương đối yếu, thị trường có thể diễn biến thất thường hơn tùy thuộc vào bên hành động trước. Hoạt động kéo trụ cũng có thể kích thích điểm số và tác động đến tâm lý. Tuy nhiên tín hiệu đầu tiên vẫn luôn phải là thanh khoản tăng.