Doanh nghiệp ngành dầu khí có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ
Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) đã báo cáo về triển vọng ngành dầu khí năm 2023. Theo báo cáo này, trong năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách zero-Covid của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo, nhu cầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng 1,5% so với năm 2022, đạt mức trung bình 101,04 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023.
Theo VND, thị trường có khả năng rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Về cơ bản, VND kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11/2022 sẽ là khung pháp lý tổng quát cho ngành Dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động Dầu khí. Theo đó đối với các lô dầu khí được ưu đãi đầu tư (tiêu chí phân loại dựa theo vị trí địa lý, điều kiện khai thác...) được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô và mức thu hồi chi phí tối đa lần lượt là 32%, 10% và 70%. Đối với dự án ưu đãi đặc biệt, các tỷ lệ lần lượt là 25%, 5% và 80%. Luật cũng cho phép tăng thời hạn hợp đồng từ 25 năm lên 30 năm (và 35 năm đối với các lô dầu khí thuộc diện ưu đãi đầu tư)…
VND cho rằng, một số dự án quy mô nhỏ có điều kiện thuận lợi nhờ giá dầu tăng mạnh trong năm 2022, nhưng có rất ít tiến triển đáng kể tại các dự án mỏ khí lớn do sự chậm trễ trong các giai đoạn khác nhau liên quan đến việc thu xếp vốn và hoàn tất các đàm phán thương mại. Dự án Lô B - Ô Môn được chờ đợi lâu nay, nhà máy điện Ô Môn III vẫn đang chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn ODA. Do khung giá khí từ Lô B đã được phê duyệt từ năm 2016, việc trì hoãn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của kế hoạch ban đầu đối với các nhà máy hạ nguồn do lạm phát và đồng USD tăng giá. Do đó, cần có thời gian để sửa đổi kế hoạch và đệ trình Chính phủ.
Trái ngược với những mỏ khí lớn trên, các dự án như dự án mở rộng mỏ dầu Bạch Hổ, dự án khai thác mỏ dầu Kình Ngư Trắng (Lô 09-2/09) đã được phê duyệt, sẽ bù đắp một phần cho sự cạn kiệt sản lượng của các mỏ lâu năm. Nhờ mặt bằng giá dầu cao và có thể kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài khơi sẵn có, VND tin rằng, các dự án này sẽ sớm được triển khai, cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà cung cấp dịch vụ khoan và nhà thầu EPC.
Ở trung nguồn, nhóm vận tải dầu khí hưởng lợi theo đà tăng giá cước bởi những trở ngại toàn cầu sẽ làm chậm quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG. Hơn thế xu hướng chuyển dịch sang điện khí LNG sẽ bị trì hoãn trong ngắn hạn, do giá LNG tăng vọt trên toàn cầu do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của LNG cũng như tiến độ của các nhà máy điện liên quan.
Năm 2023, VND tin tưởng vào tiềm năng phục hồi mạnh của các doanh nghiệp phân phối lớn nhờ các yếu tố như: Giá dầu thế giới dự kiến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho; Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR), tiền đề để NSR hoạt động ổn định, tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối; các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Yếu tố quan trọng nữa là nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5 % trong giai đoạn 2022-2030. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới. VND cho rằng các doanh nghiệp phân phối lớn như PLX, OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường.
Đặc biệt, vấn đề tài chính vững mạnh sẽ là bệ đỡ trong thị trường nhiều biến động. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng, doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh, rủi ro ít trước việc đồng USD mạnh hơn còn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao. Một số doanh nghiệp dầu khí (GAS, PVS) đã tích lũy được một lượng tiền mặt ròng rất lớn trong nhiều năm qua nhờ mô hình kinh doanh vững mạnh, giúp củng cố vị thế của doanh nghiệp trong thị trường nhiễu động hiện nay.
Một số cổ phiếu dầu khí cần lưu ý trong năm 2023
Theo phân tích của VND, một số cổ phiếu của ngành dầu khí hưởng lợi từ những yếu tố kể trên có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới.
Đầu tiên phải kể đến Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong giai đoạn hiện nay. Doanh nghiệp này có những lợi thế cụ thể như: Số dư tiền mặt ròng dồi dào khoảng 27.000 tỷ đồng vào cuối quý 3/2022 và rủi ro ở mức tối thiểu trước biến động tỷ giá. Vị thế thống trị của công ty trong một ngành có rào cản gia nhập cao tại Việt Nam như kinh doanh và phân phối khí. Môi trường giá dầu duy trì ở mức cao (trên 80 USD/thùng) dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024, điều này sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp của GAS duy trì quanh mức 19% trong năm 2023-2024.
VND dự báo GAS sẽ đạt lợi nhuận ròng kỷ lục trong năm 2022 với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận có khả năng giảm 1,1%/3,2% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 do mức nền cao của năm 2022 và giá dầu dần hạ nhiệt.
Doanh nghiệp hưởng lợi tiếp theo là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS). VND dự báo, trong cả ngắn và dài hạn, PVS có khả năng trưởng kép lợi nhuận ròng là 26,7% trong giai đoạn 2022-2024. Bởi, trong ngắn hạn, các liên doanh FSO/FPSO vẫn sẽ là nguồn đóng góp vững chắc vào kết quả kinh doanh của PVS, chiếm 89%/77%/68% lợi nhuận ròng của PVS trong năm 2022-2024. Trong dài hạn, VND kỳ vọng doanh nghiệp đầu ngành cung cấp dịch vụ kỹ thuật Dầu khí tại Việt Nam như PVS sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư tiềm năng vào ngành năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B và xu hướng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Lượng tiền mặt ròng dồi dào hơn 8.600 tỷ đồng (tương đương 18.000 đồng/cp) tại cuối quý 3/2022 sẽ giúp công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn như Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) sẽ có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Theo phân tích của VND, tiềm năng tăng trưởng của PLX đến từ nguồn cung xăng dầu nội địa ổn định trở lại khi vấn đề tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được xử lý. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp phân phối. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng tại Việt Nam (tăng trưởng kép, 5,5 % trong năm 2022-2030) cũng sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của PLX. Dự báo lợi nhuận ròng PLX sẽ tăng trưởng kép 17,1% trong năm 2022-2024.