Thị trường chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục giao dịch ảm đạm theo chiều hướng xấu. VN-Index mở cửa có được sắc xanh nhưng nhanh chóng bị áp lực bán lấn áp để rồi lao dốc bất ngờ về cuối ngày.
Áp lực bán mạnh tại các nhóm sản xuất điện, dầu khí, bán lẻ hay xuất nhập khẩu khiến chỉ số chìm trong sắc đỏ, trong khi thị trường được kìm hãm chủ yếu bởi đà đi lên của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đóng cửa VN-Index giảm mạnh 14,24 điểm (-1,19%) về mức thấp nhất trong ngày tại 1.181,29 điểm. Tương tự là HNX-Index bị bán 1,16% về mức 227,9 điểm và UPCoM-Index giảm 0,81% xuống 87,19 điểm.
Thị trường có sự phân hóa rõ nét giữa một số nhóm ngành. Đơn cử bộ chỉ số vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận mức giảm nhẹ 0,51% bởi đà lao dốc của một số cổ phiếu trụ nhưng được kéo lại bởi cổ phiếu ngân hàng.
Áp lực bán tháo lớn nhất xuất hiện tại các cổ phiếu ngành sản xuất điện. Trong đó ông lớn trong ngành là REE Corp ghi nhận mức giảm sàn về 79.100 đồng và PV Power (POW) mất 3,7% xuống 13.000 đồng. Bên cạnh đó còn có NT2, VSH, GEG kết phiên trong sắc xanh lơ.
Cổ phiếu thủy sản cũng đảo chiều mạnh mẽ sau giai đoạn hưng phấn trước đó. Mã đầu ngành cá tra là VHC của Vĩnh Hoàn dư bán sàn tại mức 81.300 đồng hay các mã ANV, IDI, ACL giảm tối đa. Mã đầu ngành tôm là MPC của Minh Phú thậm chí lao dốc hơn 9% về dưới 42.000 đồng.
Cổ phiếu ngành bán lẻ vẫn trong chuỗi ngày bị bán tháo dữ dội. Phiên hôm nay ghi nhận FRT và DGW giảm kịch biên độ cho phép. Hay MSN mất 5,3%, PNJ giảm 4,2%, MWG giảm 3,4% đã là phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp của nhóm này.
Cổ phiếu dầu khí không khá khẩm hơn với GAS dẫn đầu lao dốc 5,2% về 103.000 đồng và là mã có tác động tiêu cực nhất. Ngoài ra còn có BSR rơi hơn 6%, PVC mất 4% hay PVS, PVD giảm quanh 3%.
Ngoài ra còn phải kể đến sự giảm giá của một số nhóm khác như cảng biển có HAH và VOS giảm sàn, nhóm dệt may ghi nhận GIL giảm tối đa biên độ, ngành phần bón có DPM giảm kịch sàn hay nhóm hóa chất có CSV trong sắc xanh lơ...
Trụ đỡ cho thị trường để không bị rơi mất kiểm soát đến từ nhóm ngân hàng khi đóng góp 10/10 mã có tác động tốt nhất. Trong đó BID của BIDV gây ấn tượng khi có thời điểm đã chạm giá trần, kết phiên vẫn còn tăng 3,6% lên 36.300 đồng để trở thành mã đóng góp lớn nhất cho chỉ số.
Tác động tốt tiếp theo là TCB của Techcombank tăng tốc 3,9% lên 37.750 đồng, MBB có thêm 3,5% đạt 25.450 đồng, CTG của VietinBank lên 1,5% đạt 27.000 đồng hay STB của Sacombank tiến 3,1% lên 23.050 đồng.
Ngoài điểm sáng lớn nhất của nhóm ngân hàng thì thị trường còn ghi nhận đà đi lên ấn tượng của nhóm FLC Group khi nhiều thời điểm đều đã chạm giá trần. Dù chỉ còn tăng 5,6% lên 6.550 đồng nhưng FLC đã kéo dài chuỗi tăng giá gần 80% trong nửa tháng qua. Thậm chí ROS vẫn còn tăng trần lên 3.270 đồng, tăng hơn 50% trong thời gian tương tự.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về sắc đỏ do áp lực bán tháo ở nhiều nhóm ngành trong khi lực kéo chủ yếu chỉ đến từ ngân hàng. Toàn sàn có 665 mã giảm giá và 269 mã giảm giá.
Thanh khoản thị trường dù có sự cải thiện hơn so với phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 15.910 tỷ đồng . Điểm trừ là khối ngoại bán ròng khoảng 270 tỷ đồng ở sàn HoSE.