Tiềm năng của cổ phiếu ngành thép đang được dự báo khả quan trong thời gian tới.
Thông tin giá thép khôi phục trở lại tạo ra đà tâm lý tốt giúp cổ phiếu ngành thép thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Theo đó, sau 2 lần bật tăng trở lại vào 31/8 và 6/9, đến ngày 14/9, giá thép xây dựng tiếp tục tăng lần thứ 3 liên tiếp với giá thép cuộn tăng gần 900.000 đồng/tấn. Sau 3 đợt tăng liên tiếp, giá thép xây dựng đang ở mức 15,2 – 15,6 triệu đồng/tấn.
Giá thép trong nước khôi phục một phần từ nguyên nhân nhà máy thép tại châu Âu ngừng sản xuất vì vấn đề năng lượng, khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép.
Trong nước, nguồn cung bất động sản đang được hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành thép.
Trên sàn chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng tập trung vào ngành thép. Nhất là ông lớn HPG, trong phiên 14/9, mã này được khối ngoại gom mua nhiều nhất với giá trị 108 tỷ đồng, trước đó vào phiên 9/9, khối ngoại cũng mua ròng HPG hơn 5,99 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 140,72 tỷ đồng, hay như phiên thị trường đỏ lửa (8/9), mặc dù giao dịch khá hạn chế nhưng khối này vẫn gom HPG khá mạnh với tổng giá trị đạt 99,77 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu HPG trong vòng 1 tháng qua, hiện tại HPG đang giao dịch quanh mức giá hơn 23.000 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu ngành thép, HPG được đánh giá có thanh khoản tốt nhất với 27 triệu đơn vị và hồi về tham chiếu, trong khi NKG đảo chiều tăng 1,1% lên 23.650 đồng, khớp 17,7 triệu đơn vị và HSG nới đà tăng lên 3,4%, đóng cửa ở mức 18.100 đồng, khớp 14,5 triệu đơn vị.
Cơ hội và thách thức của ngành thép
Do cuộc khủng hoảng năng lượng EU, nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng sản xuất tăng cao. Đây đang là cơ hội cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Thách thức lớn nhất của ngành thép chính là nền kinh tế đang có sự chuyển mình, thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hóa nói chung và ngành thép nói riêng hiện nay có xu hướng hạ nhiệt.
Ngoài HPG, các mã cổ phiếu cùng ngành thép như HSG (Tôn Hoa Sen), NKG ( Thép Nam Kim) và SMC cũng được đánh giá có triển vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Nhưng nhiều chuyên gia cũng đưa ra lời khuyến nghị đến các nhà đầu tư cần thận trọng do nền kinh tế hiện nay không thể đoán định chính xác được.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định “Nửa đầu năm, giá nguyên liệu sản xuất thép biến động lớn khiến hoạt động kinh doanh của các công ty thép khó khăn do giá bán giảm, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho và cước phí vận chuyển tăng, chủ yếu trong quý 2. Song nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục”
Ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhận định “Các cổ phiếu ngành thép đã có giai đoạn đi ngang tích lũy trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, các nhà máy thép ở châu Âu, do chi phí năng lượng cao nên họ một là giảm sản lượng, hai là đóng cửa nhà máy, từ đó tạo ra kỳ vọng về chuyện giá thép trên thế giới cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, quá trình giải ngân đầu tư công ở Việt Nam trong giai đoạn cuối năm thường là giai đoạn cao điểm, điều này sẽ giúp một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép được hưởng lợi”.