Dòng tiền gần như “ngưng đọng” trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư rút ra đứng ngoài quan sát. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 4.678 tỷ đồng, giảm 25% so với sáng hôm qua và thấp nhất kể từ khi nghẽn lệnh ở HoSE. Tuy vậy, điểm sáng vẫn xuất hiện với nhóm cổ phiếu nông nghiệp, dù dòng tiền cũng khá hạn chế.
Trên cả hai sàn chỉ có đúng 10 mã đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên. Ngoài những mã giao dịch lớn truyền thống như HPG, xuất hiện những cái tên nổi bật là PAN, DBC. Về giá, nhóm cổ phiếu nông nghiệp nói chung cũng nổi bật hơn phần còn lại.
DBC tăng bùng nổ 3,85% với thanh khoản buổi sáng đã gấp đôi cả ngày hôm qua. Xấp xỉ 6 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng, tương đương 160,1 tỷ đồng. Con số này so với các mã siêu thanh khoản khác thì còn thấp, nhưng với DBC đã là rất cao. Cơn sốt giá thịt lợn tại Trung Quốc được cho là chất xúc tác thu hút dòng tiền đổ vào DBC, nhất là khi cổ phiếu này vừa có một nhịp điều chỉnh khoảng 15% những ngày đầu tháng 9.
Khối ngoại sáng nay cũng gom DCB khá nhiều, tổng khối lượng mua khoảng 835 ngàn đơn vị, tương đương 15,6% tổng thanh khoản ở mã này. Giá trị mua ròng gần 24,5 tỷ đồng, giúp DBC thuộc nhóm mua ròng lớn nhất thị trường.
PAN chốt phiên sáng nay cũng tăng 5,99% với thanh khoản 5,17 triệu cổ trị giá 136,7 tỷ đồng. Mới phiên sáng mà PAN đã lập kỷ lục thanh khoản 10 tháng. PAN tăng vọt ngay trong 45 phút giao dịch đầu tiên, giá thậm chí chạm tới ngưỡng trần. Cổ phiếu này có tín hiệu bị chốt lời mạnh trong thời gian còn lại buổi sáng khi giá chạm tới mức cao nhất hồi tháng 6 vừa qua. Động lực đẩy giá ở PAN hoàn toàn đến từ nhà đầu tư trong nước khi khối ngoại mua không đáng kể.
Giá lương thực toàn cầu đang bật tăng trở lại có thể là chất xúc tác khiến nhà đầu tư kỳ vọng cao hơn ở nhóm cổ phiếu nông nghiệp. Dĩ nhiên nhóm này vốn quá khác nhau về quy mô niêm yết cũng như lĩnh vực hoạt động, nên sự phân hóa vẫn xuất hiện. Tuy nhiên đà tăng vẫn là chủ đạo. Ngoài DBC, PAN, có thể kể tới LAF, HHC, IDI, ICF, VLC, SJ1, NAF, AGM... tăng từ 2% tới 5% giá trị. Tuy vậy, thanh khoản vẫn là hạn chế lớn nhất của các cổ phiếu nhóm này. Không thu hút được dòng tiền thì biến động cũng khó bền.
Thanh khoản sụt giảm cực mạnh vẫn là diễn biến đáng chú ý nhất trên thị trường sáng nay. Nhà đầu tư hầu như không mặn mà giao dịch nên thị trường “lịm” dần là điều dễ hiểu. VN-Index tăng tốt nhất trong vài phút đầu sau khi mở cửa, trên tham chiếu 0,22% nhưng chốt phiên sáng đã giảm 0,02% tương đương 0,28 điểm. Độ rộng cũng rất phập phù, từ chỗ 163 mã tăng/85 mã giảm chuyển thành 139 mã tăng/260 mã giảm. Thực ra độ rộng này vẫn thể hiện sự giằng co phân hóa, nhưng vì thanh khoản quá tệ nên giá cổ phiếu cũng không có gì đảm bảo chắc chắn. Đặc biệt khi đến phiên chiều, khối lượng cổ phiếu mới về tài khoản rất dễ đẩy tăng áp lực xả. Chiều nay cũng là lúc hàng rẻ nhất của những người bắt đúng đáy về tài khoản.
Nhóm blue-chips VN30 vẫn đang có trạng thái tăng giá nhiều với, với 15 mã, số giảm 11 mã và chỉ số tăng nhẹ 0,12%. Khả năng nâng đỡ VN-Index vẫn được đảm bảo, dù không có nhiều cổ phiếu blue-chips nổi bật. CTG tăng 1,48%, VRE tăng 1,22% là hai cổ phiếu mạnh nhất và duy nhất tăng được trên 1%. MSN, SAB, ACB là các mã khác tăng trong khoảng 0,8% đến dưới 1%. Có thể thấy tuy độ rộng tốt nhưng mức tăng của VN30 là rất yếu.
Trên toàn sàn HoSE cũng vậy, chỉ có 50 mã tăng từ 1% trở lên và số này chiếm chưa tới 21% giá trị khớp lệnh của sàn. Phần lớn thanh khoản tập trung vào PAN, DBC, ngoài ra thêm ASM tăng 3,96% giao dịch 97,9 tỷ; IDI tăng 3,3% giao dịch 80 tỷ; PVD tăng 1,66% giao dịch 120,4 tỷ; ANV tăng 1,59% giao dịch 43,2 tỷ; PC1 tăng 1,37% giao dịch 43,7 tỷ...
Khối ngoại sáng nay giao dịch cân bằng, mua 441,3 tỷ ở HoSE, bán 394,1 tỷ, tương ứng mua ròng 47,2 tỷ. HPG được mua tốt nhất với 45,6 tỷ, DGC +39 tỷ, PVD +26,8 tỷ, CTG +15,2 tỷ, DBC +24,5 tỷ. Phía bán có chứng chỉ FUEVFVND -44,1 tỷ, DPM -21,1 tỷ, SSI -15,3 tỷ, DXG -15 tỷ...