Cổ phiếu Novaland bất ngờ trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch 11/4 khi liên tiếp đón nhận những thông tin trái phiếu, từ bị bán mạnh trong phiên sáng chuyển sang đua mua giá trần trong phiên chiều.
Mã chứng khoán này kết phiên tăng hết biên độ 7% lên 14.200 đồng, so với phiên sáng có thời điểm bị bán mạnh giảm gần 5% so với tham chiếu. Đây là thị giá cao nhất trong hơn 2 tháng vừa qua.
Không chỉ nhảy vọt về thị giá mà nhà đầu tư còn mua đuổi để đẩy thanh khoản mã này tăng đột biến, đạt tổng khối lượng gần 63,5 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 10% tổng lượng giao dịch trên cả sàn HoSE.
Đây là thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm đến nay và là phiên giao dịch nhiều thứ 8 trong lịch sử của Novaland. Do không còn nhà đầu tư nào bán ra nên cổ phiếu NVL khi kết phiên vẫn còn dư mua 4 triệu đơn vị khác và hàng triệu đơn vị đặt giá ưu tiên ATC.
Giá trị giao dịch tương ứng đạt gần 850 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán và bỏ khá xa các mã có giao dịch lớn tiếp theo như DIG (689 tỷ), SSI (560 tỷ), VND (420 tỷ) hay CEO (376 tỷ).
Giao dịch đột biến đến sau thông tin Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường thành lập Tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Thuận để giải quyết vướng mắc tại các dự án của Novaland, báo cáo trước ngày 15/4.
Đà đi lên của Novaland cũng nhanh chóng lan tỏa sang các cổ phiếu bất động sản khác để đảo chiều xu hướng từ bán sang mua đuổi, và qua đó giúp thị trường chung bất ngờ kết phiên trong sắc xanh.
Trong đó, VHM của Vinhomes cũng bứt phá 3,4% lên 51.500 đồng để trở thành mã có tác động lớn nhất kéo tăng chỉ số (nhờ giá trị vốn hóa lớn).
Ngoài ra, DIG của DIC Corp bất ngờ được giải cứu từ giá sàn để leo lấy lại sắc xanh tăng giá 0,6% đạt 17.500 đồng. Cổ phiếu CEO cũng trở mặt từ vùng giá thấp sang tăng 1,6% đạt 25.400 đồng. Một số mã bất động sản khác cũng đổi màu tích cực như KDH của Khang Điền, NLG của Nam Long, DXG của Đất Xanh, HPX của Hải Phát...
Các mã vốn hóa lớn khác tham gia kéo thị trường còn có GVR của Tập đoàn Cao su tăng giá 2,2% đạt 16.250 đồng, CTG của VietinBank đi lên 0,9% ở 29.600 đồng, MSN của Masan có thêm 0,9% đạt 77.900 đồng.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng gây tác động khá xấu. Điển hình là VCB của Vietcombank mất 0,9% giá trị về 88.200 đồng, BID của BIDV giảm 0,7% xuống 44.400 đồng, SHB rơi 2,1% còn 11.750 đồng.
Nhờ sức kéo mạnh của cổ phiếu bất động sản đã giúp VN-Index đảo chiều thành công vào sắc xanh. Chỉ số này kết phiên tăng 4,11 điểm (0,39%) đạt mức cao nhất trong ngày tại 1.069,46 điểm.
Sắc xanh cũng hiện diện trên các sàn tại Hà Nội. Trong đó, HNX-Index đảo chiều tăng nhẹ 0,34 điểm (0,16%) lên 212,34 điểm và UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (1,05%) đạt mức cao nhất phiên tại 78,81 điểm.
Do dòng tiền chủ yếu chảy vào nhóm bất động sản nên thanh khoản chung có phần giảm sút, tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt gần 13.920 tỷ đồng. Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm hơn 11.590 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên hôm qua.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tiêu cực trong 3 phiên liên tiếp khi bán ròng mạnh tổng cộng 585 tỷ đồng. Các mã bị bán nhiều là STB của Sacombank (-106 tỷ), VND của VNDirect (-83 tỷ) và HPG của Hòa Phát (-72 tỷ).
Trong khi đó HDB của HDBank vẫn là cổ phiếu hút vốn ngoại tốt nhất khi tiếp tục được mua ròng mạnh nhất dù giá trị chỉ còn hơn 13 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 4, khối ngoại đã mua ròng gần 150 tỷ đồng.