Phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần (24/3) chứng kiến tâm lý giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản, với hai đầu tàu là VHM (Vinhomes) và NVL (Novaland) sau một loạt thông tin tích cực liên quan ngành này.
Tâm điểm thị trường đổ dồn về cổ phiếu NVL trong phiên chiều khi mã chứng khoán này bất ngờ tăng tốc lên giá trần tại 11.900 đồng/cổ phiếu. Đây là giá giao dịch cao nhất của cổ phiếu bất động sản này trong vòng một tháng qua. Kéo theo giá trị vốn hóa Novaland tăng gần 1.500 tỷ đồng lên trên 23.173 tỷ đồng và trở lại nhóm doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD.
Thanh khoản NVL cũng đạt mức cao nhất thị trường với hơn 30,5 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị đạt 357 tỷ đồng, cao gấp 4 lần mức bình quân các phiên khác trong tuần.
Đà đi lên bất ngờ trong phiên chiều đến từ thông tin cổ đông Novaland chấp thuận việc phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thu về không dưới 9.750 tỷ đồng.
Tập đoàn bất động sản này còn dự kiến chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để thu về 19.500 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu ESOP tối đa 1,5% lượng cổ phần đang lưu hành với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp 2,5 lần, từ gần 19.500 tỷ lên 48.750 tỷ đồng, lọt nhóm doanh nghiệp có vốn lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Công ty địa ốc còn đón tin vui khi gia hạn thành công 2 lô trái phiếu NVLH2124002 và NVLH2224006 thêm lần lượt 1 và 2 năm, với tổng giá trị 1.750 tỷ đồng. Đại diện trái chủ là Công ty Chứng khoán BSC và Chứng khoán PSI đồng ý sẽ không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu.
Không chỉ Novaland, các cổ đông Vinhomes cũng đang tận hưởng niềm vui khi mã chứng khoán này tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh. VHM chốt phiên cuối tuần đã tăng thêm 2,1%, lên mức 49.000 đồng/cổ phiếu, trở thành mã có đóng góp lớn nhất vào phiên tăng điểm của toàn thị trường. Đây đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mã chứng khoán bất động sản này với tổng mức hơn 15%. Giá trị vốn hóa Vinhomes theo đó có thêm 28.000 tỷ đồng để leo lại lên mốc trên 200.000 tỷ đồng.
Gần đây, doanh nghiệp đầu ngành địa ốc này cũng liên tiếp đón nhận thông tin tích cực như kế hoạch chuyển nhượng 2 công ty con vốn hàng chục nghìn tỷ đồng và Capital Land đàm phán mua tài sản 1,5 tỷ USD.
Cũng trong hôm nay, nhiều cổ phiếu bất động sản ghi nhận đà bứt phá mạnh như NLG của Nam Long tăng kịch biên độ; PDR của Phát Đạt tăng 2,9%; HPX của Hải Phát tăng 2,3% hay DIG của DIC Corp tăng 2%...
Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản đồng thuận xu hướng tăng thì cổ phiếu ngành ngân hàng lại ghi nhận đà phân hóa mạnh. Trong đó, lực kéo lùi đến từ một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đã khiến thị trường chung không quá khởi sắc.
Cụ thể, bộ ba vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng là VCB (Vietcombank); CTG (VietinBank) và BID (BIDV) đều chốt phiên trong sắc đỏ. Trong đó, VCB rớt 1,9%, về 89.000 đồng/cổ phiếu là mã có tác động xấu nhất lên chỉ số chung; BID cũng mất 0,8% và CTG giảm 0,7%.
Ngược lại, cổ phiếu của các ngân hàng thương mại tư nhân lại khởi sắc trong phiên cuối tuần. Tiêu biểu là HDB (HDBank) tăng tới 2,27%, hiện cố định ở 18.050 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó là các mã VIB (Ngân hàng Quốc tế) tăng 1,45%; MBB (MBBank) tăng 2,01%; LPB (LienVietPostBank) tăng 3,68%; OCB (Ngân hàng Phương Đông) tăng 1,28%...
Xét trên toàn thị trường, VN-Index trong ngày cuối tuần giao dịch lình xình và chốt phiên tăng nhẹ 1,69 điểm (+0,16%) lên mức 1.046,79 điểm. HNX-Index có thêm 2,4 điểm (+1,18%) đạt 205,72 điểm và UPCoM-Index đi ngang.
Thanh khoản thị trường cũng không có nhiều điểm nhấn khi duy trì tổng giao dịch gần 10.700 tỷ đồng. Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm 9.442 tỷ, tăng nhẹ so với các phiên trong tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch chậm lại khi chỉ còn mua ròng 96 tỷ đồng trên sàn HoSE, nối dài chuỗi mua ròng lên 4 phiên liên tiếp. Các mã được gom nhiều trong phiên cuối tuần là VHM, HPG, VIC và NLG.