Phiên 25/7 chứng kiến giao dịch bùng nổ tại cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Theo đó, ngay từ đầu phiên, lực cầu áp đảo đã kéo cổ phiếu này tăng mạnh 3,8% lên mức 19.100 đồng chỉ sau 15 phút giao dịch chính thức. Sự hưng phấn của nhà đầu tư giúp OCB duy trì ở mức giá quanh 19.000 đồng xuyên suốt thời gian giao dịch sau đó và đóng cửa ở 19.050 đồng/cp – mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Đi cùng diễn biến giá, thanh khoản của OCB cũng tăng đột biến với hơn 4,3 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh – khối lượng giao dịch lớn nhất trong hơn 1 năm qua.
Kết phiên 25/7, OCB dẫn đầu toàn ngành ngân hàng về mức tăng giá và nằm trong nhóm 8 mã đóng góp tích cực nhất cho Vn-Index.
Sự bùng nổ của cổ phiếu OCB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị công bố báo cáo tài chính quý 2. Giới phân tích dự báo, OCB sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong kỳ kinh doanh này khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại, chi phí huy động đạt đỉnh và chất lượng tài sản được cải thiện.
Chứng khoán HSC ước tính, lợi nhuận trước thuế quý 2 của OCB đạt hơn 1.400 tỷ, tăng 43% so với quý 1 và tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận OCB có thể đạt 2.386 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ 2022.
Theo HSC, tăng trưởng lợi nhuận của OCB trong năm nay sẽ được thúc đẩy bởi lãi từ kinh doanh trái phiếu, vốn phụ thuộc vào điều kiện thị trường và có tính biến động cao.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng OCB sẽ lấy lại nhịp tăng trưởng trong thời gian tới nhờ chi phí huy động giảm, tăng trưởng tín dụng hồi phục và chất lượng tài sản cải thiện.
Theo VDSC, với định hướng tập trung vào phát triển ngân hàng bán lẻ & SMEs, OCB đã mở rộng tệp khách hàng từ 1,1 triệu khách cuối năm 2018 lên 2,9 triệu khách trong cuối năm 2022. Đồng thời, nhờ vào hệ số CAR dao động quanh mức 12%, cao hơn mức trung vị của ngành, tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao giúp thị phần tín dụng mở rộng từ 0,7% năm 2018 lên 1% cuối năm 2022. Mức ROE giai đoạn 2018- 2021 cũng được duy trình bình quân quanh 20%.
Hoạt động kinh doanh của OCB chững lại trong năm 2021-2022, khi tập khách hàng trọng tâm của ngân hàng là những nhóm bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 và giai đoạn kinh tế suy giảm. Mặc dù vậy, bằng cách mạnh tay thu hẹp mảng tín dụng tiêu dùng trong hai năm gần đây, VDSC cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng đã có sự cải thiện. Hay nói cách khác, những quý khó khăn nhất trong xử lý nợ của OCB có thể đã qua.
VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của OCB sẽ tăng trưởng lần lượt 18,2% và 24,2% trong năm 2023 và 2024, tương ứng đạt 5.186 tỷ đồng và 6.440 tỷ đồng. ROA cải thiện từ 2,0% vào năm 2023 lên 2,1% và ROE lần lượt đạt 15,2% và 16,1% trong năm 2023 và 2024.
Bên cạnh triển vọng kinh doanh tích cực, giới phân tích cũng kỳ vọng việc trả thưởng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 50% của OCB sẽ là chất xúc tác giúp hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Đây là một trong những bước cuối cùng để ngân hàng này tiến hành trả thưởng cổ phiếu cho cổ đông.
Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Về định hướng kinh doanh năm 2023, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trong năm 2023, OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.