Cổ phiếu phân bón đồng loạt nổi sóng
Tâm điểm thị trường phiên 8/9 dồn về nhóm cổ phiếu phân bón khi đồng loạt dậy sóng. Vừa mở đầu phiên nhóm cổ phiếu này đã đua nhau bùng nổ khi đồng loạt tăng kịch trần, “trắng bên bán” như PMB, LAS, BFC, PSW,....
“Bộ đôi” đầu ngành là DPM và DCM đều xuất hiện lực mua và thanh khoản lớn với hơn 5 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi mã, lọt top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn tính đến thời điểm 10h20p. Một cái tên khác là DDV cũng gây chú ý khi “mặc áo tím” với gần 5 triệu cổ phiếu “sang tay” trong phiên sáng.
Đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu phân bón được kích hoạt sau thông tin Trung Quốc yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá trong nước tăng vọt, theo Bloomberg. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới. Bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu đều có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của quốc gia này là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia.
Theo dữ liệu từ Investing, giá hợp đồng tương lai phân urê kết phiên 7/9 giảm 1,5% xuống mức 427 USD. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối tháng 6, giá phân ure đã tăng vọt 50% để giao dịch quanh vùng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, giá Ure đã liên tục giảm mạnh từ cuối quý 3 năm ngoái và có thời điểm rơi xuống thấp nhất trong hơn 2 năm.
Giá ure tăng đột biến trong bối cảnh nguồn cung trên các thị trường đang bị siết chặt. Tại khu vực Đông Nam Á, một số nhà máy tại Malaysia, Indonesia và Brunei giảm công suất vì nhiều lí do khác nhau, khiến lượng hàng xuất khẩu nhỏ giọt. Phía Ai cập cắt sản lượng mạnh do thiếu hụt nguồn khí tự nhiên.
Khu vực Algeria, Trung Á, Bắc Phi cũng có chung tình trạng như Ai Cập. Khu vực Biển Đen cũng trở nên căng thẳng sau khi thỏa thuận hành lang ngũ cốc chấm dứt. Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường chủ lực là Ấn Độ và Brazil lại đang tăng mạnh. Quý 3 thường không phải giai đoạn cao điểm nhưng các quốc gia vẫn đang phải đẩy mạnh thu mua do lo ngại giá Urea sẽ tiếp tục tăng cao.
Nhiều kỳ vọng cho cổ phiếu phân bón trong thời gian tới
Chứng khoán BSC đánh giá tích cực về triển vọng ngành phân bón với dự báo sản lượng và giá bán phục hồi rõ ràng hơn trong hai quý cuối năm. Theo đó, giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới. BSC ước tính trong hai quý cuối năm, giá ure trong nước có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 VND/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy đầu tháng 6.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước trong hai quý cuối năm sẽ tiếp tục cải thiện nhờ: (1) nhu cầu chăm bón trong mùa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực phía Bắc (mùa vụ chính trong năm) và (2) Giá phân bón đã giảm về mức thấp trong bối cảnh giá gạo neo ở mức cao đã cải thiện khả năng chi trả của người dân.
Bên cạnh đó, BSC cũng kỳ vọng phục hồi của thị trường xuất khẩu tác động tích cực đến các doanh nghiệp phân bón. Sản lượng phân bón xuất khẩu sẽ phục hồi trong 2H/2023 so với mức nền thấp trong 1H nhờ: (1) Ai Cập – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất ure và (2) Ấn Độ - thị trường nhập khẩu phân bón lớn trên thế giới có động thái tăng nhập khẩu Ure cho mùa vụ cuối năm.
Với DPM, BSC cho rằng KQKD đã tạo đáy và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong hai quý cuối năm nhờ giá Ure có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc DPM sở hữu bảng cân đối kế toán lành mạnh cùng lượng tiền mặt lớn sẽ đem lại doanh thu tài chính ổn định cho DPM đồng thời đảm bảo mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn 10% - 12%. Trong bối cảnh giá Ure có xu hướng phục hồi, BSC cho rằng DPM là cổ phiếu nhạy cảm với giá ure sẽ là một lựa chọn hấp dẫn để đầu tư.
Với DCM, BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt đạt 10.655 tỷ đồng và 1.039 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 76% so với cùng kỳ. Tuy vậy, BSC nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của DCM lần lượt tăng 4% và 145% lên 11.075 tỷ và 2.556 tỷ do giả định giá bán Ure bình quân cao hơn.