Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP-HOSE) với số tiền 120 triệu đồng.
Trong đó, PLP bị phạt 60 triệu đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Cụ thể: PLP công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và trên trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu sau: Văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 2/2021 so với quý 2/2020; Báo cáo tài chính (BCTC) (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được kiểm toán;
- Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh trên BCTC (riêng và hợp nhất) năm 2022; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC năm 2022. Công ty CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu sau: BCTC hợp nhất quý 3/2021; Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CĐHH và đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh năm 2021 so với năm 2020 và chênh lệch trước và sau khi kiểm toán;
- BCTC bán niên (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được soát xét. Công ty thực hiện nghĩa vụ CBTT định kỳ không đúng thời hạn đối với các tài liệu của đợt trái phiếu riêng lẻ gồm: BCTC năm 2021; Báo cáo tình hình tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn năm 2021);
Tiếp theo là phạt 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
Cụ thể: PLP không trình bày đầy đủ thông tin tại Báo cáo thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, V ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC, cụ thể: (i) Báo cáo thường niên năm 2021 chưa trình bày cụ thể về địa bàn kinh doanh tại mục 2 Phần I;
- chưa trình bày về các công ty con, công ty liên kết. (ii) Báo cáo thường niên năm 2022 chưa trình bày về nội dung: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tại Công ty tại mục 1 Phần I; Vốn điều lệ thực góp tại Công ty con, công ty liên kết tại mục 3 Phần I;
- Hoạt động và tình hình tài chính của các công ty con, công ty liên kết tại mục 3. (b) Phần II; Tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước tại mục 6.3, 6.4 Phần II;
- Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý tại mục 3 Phần III; Danh sách các thành viên HĐQT có chứng chỉ đào tạo về quản trị công ty, danh sách các thành viên HĐQT tham gia các chương trình về quản trị công ty trong năm tại mục 1.(e) Phần V; Giao dịch cổ phiếu của người nội bộ tại mục 3.(b) Phần V; Đánh giá việc thực hiện các quy định về quản trị công ty tại mục 3. (iii) Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch của Công ty với người nội bộ, người có liên quan, Công ty con, Công ty Liên kết của Công ty, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch giữa Công ty với ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT;
- Báo cáo tình hình quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với người nội bộ và các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về vay mượn tiền với Công ty cổ phần (CTCP) Khoáng sản Minh Cầm so với BCTC 6 tháng đầu năm 2022 đã được soát xét của Công ty. (iv) Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch góp vốn đầu tư với CTCP Thương mại & Du lịch Tân Việt An; chuyển nhượng cổ phần của Trần Hoài Phong).
Được biết, HOSE đã thông báo cổ phiếu PLP bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/04/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 của tổ chức niêm yết, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, ngày 07/04/2023, PLP đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Công ty, trong đó có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC).
Cụ thể: “Công ty đang ghi nhận khoản công nợ phải thu của cá nhân Nguyễn Thị Phương với số tiền 115 tỷ đồng để thực hiện thỏa thuận hợp tác đầu tư. Đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán này, chúng tôi chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá tính phù hợp của số dư phải thu này cũng như những điều chỉnh cần thiết (nếu có) liên quan đến vấn đề này đến các khoản mục trên Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty”.
Qua đó, công ty có giải trình về ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán như sau:
- Tại thời điểm 31/12/2022, PLP có đầu tư một số dự án, trong đó có khoản hợp tác đầu tư với Bà Nguyễn Thị Phương để mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Hoàng Minh.
Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hoàng Minh hiện đang là chủ đầu tư dự án “Khai thác chế biến nước khoáng tại lỗ khoan QH1 thuộc phường Quang Hanh, thành phố cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh”. Dự án sử dụng công nghệ hiện đại, quy trình khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cao nhất, ít sử dụng năng lượng, thân thiện với môi trường của Nhà máy nước khoáng thiên nhiên đóng chai với công suất đạt 200 triệu sản phẩm/năm giai đoạn đầu.
Dự án “Khai thác chế biến nước khoáng tại lỗ khoan QH1 thuộc phường Quang Hanh, thành phố cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh” là dự án trọng điểm mà Nhựa Pha Lê hướng đến trong giai đoạn 2023-2025. Đây cũng được xem là một hướng đi mới cho Nhựa Pha Lê trong thời kỳ ngành Filler đang có biên lợi nhuận dần thu hẹp.
- Tuy nhiên do đang trong quá trình mua và gặp một số vấn đề phát sinh nên công ty chưa thể hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án trước thời điểm 31/12/2022. Công ty sẽ tiếp tục triển khai thẩm định và hoàn thành nốt thủ tục pháp lý của dự án sớm nhất có thể trong thời gian tới.
Đáng chú ý, công ty cho biết không có cơ sở để xảy ra tổn thất với khoản đầu tư này. Do đó, công ty cho rằng ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Công ty không gây ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính năm 2022.
Kết thúc năm 2022, PLP ghi nhận tổng doanh thu tăng 18% từ 2.498 tỷ lên 2.944 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 22% lên 2.898 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng 14% là gần 2.463 tỷ đồng; chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 97%, 96% dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 63% từ 124,4 tỷ xuống còn 45,5 tỷ; lợi nhuận sau thuế giảm 67% từ 122,17 tỷ còn gần 41 tỷ đồng.