Thị trường vừa có tuần tăng điểm tốt, giá nhiều cổ phiếu diễn biến tích cực. Trong đó cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát thành công vượt ngưỡng cản quan trọng để lên mức giá cao nhất trong vòng 8 tháng, đạt 22.350 đồng/cp. Như vậy kể từ vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022, thị giá HPG "âm thầm" đi lên, tăng tới 85% chỉ sau nửa năm.
Hoà Phát luôn được nhắc đến là “cổ phiếu quốc dân" trong giới đầu tư bởi giao dịch đầy sôi động kể cả khi thị trường chung thăng hoa hay ảm đạm. Trong 20 phiên gần nhất, giá trị giao dịch bình quân phiên của mã đầu ngành thép này lên đến gần hơn 370 tỷ đồng/phiên, chỉ sau DIG và SSI. Riêng trong phiên cuối tuần 12/5, hơn 45,2 triệu cổ phiếu HPG đã được trao tay tổng giá trị giao dịch thậm chí vượt ngưỡng 1.005 tỷ đồng, bỏ xa những cổ phiếu phía sau.
Do đó, dễ hiểu khi HPG lọt vào tầm ngắm từ cá nhân đến các tổ chức, từ công ty chứng khoán đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hay thậm chí cả những doanh nghiệp “tay ngang” với thanh khoản cao cộng thêm là mã chứng khoán doanh nghiệp đầu ngành. Diễn biến thăng hoa của HPG thời gian qua giúp nhiều nhà đầu tư trên thị trường "nhẹ nhõm", những khoản lỗ trích lập tại thời điểm cuối quý 1 phần nào giảm bớt khi tính riêng từ thời điểm 31/3/2023 (thời điểm lập BCTC) tới hiện tại, thị giá HPG đã tăng 7,5%.
Từ công ty chứng khoán tới các "cá mập" đều dồn niềm tin vào HPG
Trong nhóm các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý 1/2023, Chứng khoán Trí Việt (TVB) là cái tên “ôm” nhiều cổ phiếu HPG với giá gốc tại thời điểm 31/3 lên đến hơn 171 tỷ đồng dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS). Đáng chú ý, TVB phải “gồng lỗ” với cổ phiếu quốc dân dù khoản đầu tư này hiện đã âm đến gần 81 tỷ đồng, tương đương 47%.
Thậm chí doanh nghiệp cùng hệ sinh thái là CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) cũng đang đầu tư chứng khoán với tổng giá trị gốc hơn 1.301 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1, song giá trị hợp lý chỉ chưa 1.016 tỷ, tương ứng lỗ 293 tỷ đồng. Trong đó, TVC nắm hơn 897 tỷ đồng giá gốc cổ phiếu HPG, giá trị hợp lý chưa tới 623 tỷ đồng, tương ứng lỗ 31% ( lỗ 274 tỷ đồng).
Nhờ phục hồi sau hơn 1 tháng của thị giá, khoản lỗ của TVB và TVC đều giảm đi phần nào. Tính một cách đơn giản, nếu khoản đầu tư vào HPG vẫn giữ nguyên khối lượng, TVB hiện còn lỗ khoảng 43% (lỗ 73 tỷ) còn TVC lỗ hơn 25% (lỗ 227 tỷ).
Đây được xem là tia nắng cho bức tranh kinh doanh có phần tối màu của hai công ty, đặc biệt sau biến cố lãnh đạo thao túng cổ phiếu. Chứng khoán TVB báo lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ trong bối cảnh doanh thu môi giới, tự doanh hay margin đều đi xuống. Tương tự, TVC cũng ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm tới 76% xuống còn 18 tỷ đồng, cộng thêm là doanh thu tài chính giảm 99% trong bối cảnh lãi đầu tư chứng khoản giảm mạnh. Phải nhờ tới khoản hoàn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 83 tỷ thì TVC mới lãi sau thuế quý 1 hơn 80 tỷ đồng.
Không chỉ các CTCK, hàng loạt quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng đều đang có HPG trong danh mục trong đó phải kể đến quỹ tỷ USD VEIL Dragon Capital . Mặc dù đã bán ra lượng lớn từ đầu năm nhưng HPG hiện vẫn nằm trong top các khoản đầu tư lớn nhất của quỹ ngoại này. Thời điểm 4/5, khoản đầu tư vào HPG chiếm 7,33% NAV của quỹ tương ứng giá trị ước tính lên đến gần 122 triệu USD (~3.000 tỷ đồng).
HPG nằm trong top các khoản đầu tư lớn nhất danh mục của VEIL Dragon Capital
Trong khi đó, HPG thậm chí còn là khoản đầu tư lớn thứ 2 trong danh mục của VOF VinaCapital với tỷ trọng 9,8% tính đến cuối tháng 3, chỉ xếp sau ACB (13,7%) và KDH (10%). Tính đến 31/3, VOF có quy mô NAV lên đến hơn 1,03 tỷ USD tương ứng khoản đầu tư vào cổ phiếu quốc dân tại cùng thời điểm có giá trị xấp xỉ 100 triệu USD (~2.500 tỷ đồng).
Khoản đầu tư vào HPG đứng thứ 3 trong danh mục của VOF VinaCapital
Ngoài các quỹ chủ động, các ETF cũng không thể thiếu HPG trong danh mục do đặc thù đầu tư thụ động theo một chỉ số nhất định. Với lợi thế cổ phiếu đầu ngành, quy mô vốn hóa lớn cùng thanh khoản dồi dào dễ dàng mua/bán với khối lượng lớn, HPG còn thường xuyên nằm trong các rổ chỉ số quan trọng như VN30-Index, FTSE Vietnam Index, MVIS Vietnam Index,...
“Tay ngang” cũng ôm lỗ
Sự phủ sóng của HPG lớn đến nỗi không chỉ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp mà ngay cả doanh nghiệp tay ngang mang tiền nhàn dỗi đi đầu tư chứng khoán cũng có cổ phiếu quốc dân trong danh mục. Cái tên nổi bật nhất phải kể Hóa An (DHA) – một doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng đang đêm hàng chục tỷ đồng để mua hàng triệu cổ phiếu HPG.
Sau quý đầu tiên năm 2023, khoản chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp không thay đổi so với thời điểm đầu năm, có giá gốc 88,5 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 80 tỷ đầu tư vào HPG. Tuy nhiên, công ty phải trích lập dự phòng 35,7 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 40 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ tới thời điểm hiện tại, khoản lỗ của DHA đã giảm đi vài tỷ đồng.
Một "tay chơi" khác cũng đem tiền đi đầu tư chứng là CTCP Đầu tư CMC (mã CMC), trong đó khoản cổ phiếu HPG nắm giữ ghi nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng, thuộc top mức lỗ lớn nhất trong hoạt động đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp. Việc thị giá HPG hồi phục giúp gánh nặng dự phòng giảm giá chứng khoán của CMC bớt đi đôi chút.
Dù vậy, việc danh mục phục hồi chỉ có thể xảy ra khi các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân đủ kiên trì nắm cổ phiếu HPG. Bởi thực tế, cổ phiếu đầu ngành thép cũng trồi sụt, trải qua nhiều nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên từ đầu năm tới nay. Thêm vào đó, khoản lỗ tuy được giảm đôi chút song vẫn không quá đáng kể với khoản lỗ đang phải dự phòng. Nếu so với vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 10/2021 thì giá trị cổ phiếu HPG vẫn còn cách tới 49% giá trị.