Năm 2019, Internationak Holding Company là 1 công ty ít ai biết đến, với các lĩnh vực kinh doanh chính gồm nuôi cá, thực phẩm và bất động sản.
Công ty chỉ có 40 nhân viên. 3 năm sau, IHC đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Abu Dhabi và có giá trị vốn hóa đạt 240 tỷ USD, cao hơn gấp đôi những tập đoàn toàn cầu lâu đời như Siemens và GE. Số nhân viên là 150.000 người.
Hiện IHC chiếm tỷ trọng lên tới hơn 30% tổng giá trị vốn hóa của chỉ số FADX15. Cổ phiếu của công ty tăng tổng cộng 42.000% kể từ 2019 đến nay, trở thành tập đoàn lớn thứ 2 ở khu vực Trung Đông, chỉ xếp sau gã khổng lồ dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco.
Kể cả Syed Basar Shueb, người giữ chức CEO của IHC từ giữa năm 2019, cũng phải thốt lên đó là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Trao đổi với phóng viên Financial Times, ông cho rằng những lý do giải thích rất đơn giản. Đã có hơn 40 công ty - tổng giá trị hơn 4,7 tỷ USD - được chuyển giao từ tập đoàn Royal (cũng của Abu Dhabi) sang IHC.
Tuy nhiên đó chỉ là 1 phần của câu chuyện. Tổng tài sản của IHC đã tăng từ mức 215 triệu USD tại thời điểm cuối năm 2018 lên 54 tỷ USD vào quý 3/2022.
"Chúng tôi đã không trả cổ tức, gần như toàn bộ lợi nhuận của các năm 2020, 2021 đã được tái đầu tư với nỗ lực tạo ra 1 người khổng lồ tầm cỡ toàn cầu", ông Shueb nói.
Thế nhưng một số người khác lại nhìn nhận IHC là ví dụ cho mối liên hệ giữa quyền lực và kinh doanh ở Abu Dhabi. Thủ đô của UAE hiện cũng là thành viên giàu có nhất trong liên minh. Và hiện tượng này cũng làm dấy lên những lo ngại về sự minh bạch.
Với việc IHC ảnh hưởng quá lớn đến sàn chứng khoán Abu Dhabi, chính quyền Dubai đã quyết định ngừng thương vụ sáp nhập 2 sàn chứng khoán của 2 thành phố với nhau.
Năm 2020, một trong những nhân vật quyền lực nhất Abu Dhabi là Sheikh Tahnoon bin Zayed al-Nahyan trở thành chủ tịch của IHC. Ông là cố vấn an ninh quốc gia của UAE, cũng là lãnh đạo tại một loạt tổ chức lớn gồm quỹ đầu tư quốc gia ADQ, First Abu Dhabi Bank (ngân hàng lớn nhất UAE) và Group 42 (công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây).
Nhân vật này còn nắm Royal Group, công ty holding sở hữu 62% cổ phần của IHC. Khoảng 24% cổ phần IHC được thả nổi với hơn 90% nhà đầu tư đến từ vùng Vịnh.
Shueb cho biết mục tiêu của IHC rất đơn giản: tạo ra giá trị cho cổ đông bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Ông dẫn chứng IHC đã mua 1 công ty viễn thông và sẽ mở rộng sang kinh doanh "các giải pháp" và "phần cứng". Còn trong nông nghiệp mục tiêu là cung cấp thực phẩm "từ trang trại đến bàn ăn".
Ông cho biết thêm IHC hiện có 10 tỷ USD để đầu tư và đang hướng đến mục tiêu doanh thu tăng trưởng từ mức 7,7 tỷ USD trong năm 2021 lên 27 tỷ USD vào năm 2023, với động lực chính là các thương vụ thâu tóm.
Năm 2022, IHC đã rót 2 tỷ USD vào 3 công ty niêm yết ở Ấn Độ thuộc đế chế của tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani, 500 triệu USD mua 50% cổ phần 1 công ty năng lượng sạch ở Thổ Nhĩ Kỳ và 2 tỷ USD mua hơn 30% cổ phần của tập đoàn thực phẩm Group Nutresa (Colombia).
9 tháng đầu năm 2022, IHC đạt lợi nhuận 6,4 tỷ USD, tăng 236% so với cùng kỳ 2021.
Shueb cho biết IHC tập trung vào các mảng công nghệ, y tế, bất động sản, xây dựng, thực phẩm, nông nghiệp. Về địa lý, tập đoàn chú ý đến châu Á và Mỹ Latin, đang tìm kiếm các thương vụ ở những thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Tại Mỹ, IHC có cổ phần tại SpaceX. Tuy nhiên Shueb cho rằng ở thời điểm hiện tại châu Âu là thị trường khá bất ổn.