Sau khi trải qua “7 ngày rất căng thẳng” theo lời CEO Elon Musk, giá trị cổ phiếu Tesla đã giảm gần 16%. Từ mốc 265,25 USD tại ngày 30/9, cổ phiếu hãng xe điện đã giảm xuống chỉ còn 223,07 USD trong vỏn vẹn một tuần sau đó.
Đây là tuần giảm mạnh nhất của mã này kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu hoành hành tại Mỹ.
Theo CNBC, nguyên nhân của đợt giảm tồi tệ này là những tin tức xấu xảy ra liên tiếp. Cuối tuần trước, ngày 30/9, Tesla công bố sản lượng và lượng xe giao cho khách thấp hơn mong đợi của nhà đầu tư. Tiếp đến, vào ngày 3/10, Elon Musk thổi bùng ngọn lửa tranh cãi sau khi chia sẻ suy nghĩ của ông về cuộc chiến Nga - Ukraine, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Và mới đây, vị CEO này lại có ý định nối lại thương vụ 44 tỷ USD với Twitter.
Giao hàng chậm trễ
Theo ước tính của Street Account, các nhà phân tích dự đoán Tesla sẽ sản xuất và hoàn thành giao hàng cho 364.660 chiếc xe điện trong quý III năm nay, số liệu này được dự kiến đến hết ngày 30/9. Tuy nhiên, số xe thực tế Tesla giao cho khách hàng chỉ là 343.000 xe trên tổng sản lượng 365.000 chiếc - điều này là quá chậm trễ trong khi hai nhà máy mới tại Đức và Mỹ của hãng xe này đã đi vào hoạt động.
Hơn nữa, việc giao hàng không như mong đợi còn khiến nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề nhu cầu xe điện Tesla tại Trung Quốc đang giảm mạnh. Tại thị trường tỷ dân, Tesla hiện bị cạnh tranh gay gắt từ BYD - nhà sản xuất xe điện và pin xe điện được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn.
Bên cạnh đó, Tesla mới đây còn tổ chức sự kiện AI Day để giới thiệu nguyên mẫu robot hình người, cũng như thảo luận về các thách thức trong phát triển công nghệ xe tự lái. Tuy vậy, bản demo robot không gây được ấn tượng với người trong ngành và cũng nhận được nhiều đánh giá không khả quan.
Tranh cãi chính trị
Đến ngày 3/10, vị tỷ phú này lại tiếp tục gây chú ý khi đưa ra ý kiến về cách giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông đề xuất trên Twitter rằng Ukraine nên nhượng bộ Nga về vấn đề bán đảo Crimea, đồng thời cũng nên tổ chức lại các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào Nga dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, Kyiv cũng nên giữ trạng thái trung lập.
Vị tỷ phú cho biết ông không quan tâm nếu đề xuất hòa bình cho Nga - Ukraine mà mình đưa ra không được số đông ủng hộ, điều ông quan tâm là "hàng triệu người có thể phải chết một cách không cần thiết" trong chiến trận này.
Phát ngôn về chính trị của Elon Musk gặp nhiều chỉ trích từ phía Ukraine. Ảnh: Hindustan Times.
Phản ứng về việc này, Điện Kremlin hoan nghênh tỷ phú đã đưa ra đề xuất. Ngược lại, Ukraine lên tiếng chỉ trích, ngoài ra còn có cả một số quan chức khác cũng không đồng tình như Thượng Nghị sỹ bang Nam Carolina hay Tổng thống của Cộng hòa Litva.
Thương vụ với Twitter
Ngay sau đó, vào ngày 4/10, Musk tiếp tục khiến thị trường bất ngờ khi thông báo với Tòa án bang Delaware rằng sẽ hoàn thành thương vụ chi 44 tỷ USD mua Twitter trong tháng 10, sau khi cố gắng chấm dứt thỏa thuận này nhiều tháng qua.
Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 4/10, Musk đã đưa ra đề nghị tiếp tục mua Twitter với giá ban đầu là 54,2 USD một cổ phiếu.
Thẩm phán tòa án bang Delaware - bà Kathaleen St. Jude - hôm 6/10 đã phán quyết hoãn vụ kiện giữa ông và Twitter và yêu cầu Musk hoàn tất thương vụ M&A trị giá 44 tỷ USD này trước khi kết thúc tháng 10. Nếu không, hai bên sẽ phải ra tòa vào tháng 11.
Giới phân tích cho rằng Musk hiện giờ sẽ phải ráo riết huy động để đủ tiền cho thương vụ. Ông có lẽ sẽ phải bán bớt cổ phiếu Tesla, nhưng phải đợi sau khi Tesla công bố báo cáo tài chính quý III.
Dù trải qua một tuần nhiều biến cố, Elon Musk vẫn gặt hái được một số thành công với hãng hàng không vũ trụ SpaceX. Giữa tuần này, họ đã đưa được 4 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Musk cũng thông báo sẽ bắt đầu sản xuất xe tải điện Tesla Semi sau nhiều năm trì hoãn và chiếc xe đầu tiên dự kiến bàn giao vào tháng 12 năm nay.