Áp lực bán tiếp tục lấn át trong phiên cuối tuần khiến cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng. Tuy vậy hiện tượng phân hóa vẫn là chủ đạo, dòng tiền khá hạn chế nên chỉ tìm đến một số nhóm cổ phiếu cụ thể. Nhiều mã xây dựng, đầu tư công sáng nay tăng ào ạt.
VN-Index kết phiên sáng tăng nhẹ 0,12% tương đương 1,31 điểm trên tham chiếu, độ rộng ghi nhận 159 mã tăng/238 mã giảm. VN30-Index tăng 0,14% với 12 mã tăng/15 mã giảm. Midcap tăng 0,46%, Smallcap tăng 0,06%.
HoSE có 10 mã đóng cửa giá kịch trần, nổi bật là VCG, FCN, CTD, HBC. Mặc dù các cổ phiếu này thanh khoản không thể so sánh được với các mã hàng đầu, nhưng với chính mình, sáng nay là bước tiến nổi bật về giao dịch. Ví dụ VCG đã khớp gần 11,5 triệu cổ trị giá 201,8 tỷ đồng và đang dư mua trần 2,16 triệu cổ. Mức thanh khoản này thậm chí tăng 37% so với mức giao dịch cả ngày hôm qua. FCN cũng đã khớp hơn 2 triệu cổ giá kịch trần, tăng 25% so với cả phiên trước.
Hiện tượng phân hóa trên toàn thị trường và ngay trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt là nguyên nhân của trạng thái giằng co không rõ ràng. VN-Index có một nửa thời gian nằm dưới tham chiếu, dù phiên có lúc tăng 0,84%. Ngay cả khi thị trường đạt đỉnh, độ rộng cũng không thể áp đảo ở phía tăng, với 177 mã tăng/163 mã giảm. Tuy nhiên độ rộng co hẹp lại nhanh sau đó, xác nhận có áp lực bán ra trên diện rộng. Lúc giảm chạm đáy, VN-Index thậm chí có 105 mã tăng/303 mã giảm.
Cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán đều thoái lui. VCB tăng 1,69% là trụ khỏe nhất của chỉ số, TPB tăng 4,32%, STB tăng 3,69%, EIB tăng 6,95%, nhưng toàn nhóm này chỉ có 8/27 mã tăng giá. Thậm chí CTG, BID còn nằm trong Top các cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Các trụ VIC, VHM kéo thị trường vài phiên trước đã quay đầu, VHM còn giảm tới 2,17%.
Cổ phiếu chứng khoán cũng hạ nhiệt khá nhanh, dù mức độ phân hóa có tích cực hơn ngân hàng. Nhóm lớn nhất hầu hết là giảm: SSI giảm 0,49%, HCM giảm 1,33%, VCI giảm 0,74%, SHS giảm 1,06%... Số ít mã tăng khác biệt có thể kể tới VND tăng 2,29%, DSC tăng 5,4%, CTS tăng 5,2%, VIX tăng 4,6%...
Thanh khoản tiếp tục sụt giảm khá nhiều là tín hiệu đáng chú ý. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết đã giảm tới 30% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 6.301 tỷ đồng. HoSE giảm 33% với 5.577,6 tỷ đồng, VN30 thậm chí giảm 43% với 2.527 tỷ đồng. Dòng tiền giảm nhanh ở các blue-chips là điều nên thận trọng, vì các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiếm khi giao dịch tại đây mà chủ yếu là nhà đầu tư lớn.
Khối ngoại cũng giảm giao dịch một cách đáng ngại. Tổng mức giải ngân trên HoSE sáng nay chỉ còn 539,5 tỷ đồng, giảm tới 30% so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Mức mua ròng cũng co lại còn 142 tỷ đồng. HPG được mua ròng tốt nhất chỉ đạt 68,6 tỷ, STB +26,1 tỷ, NVL +12 tỷ, MSN +10,7 tỷ. Bán ra cũng không có gì đặc biệt, nhiều nhất là BID -11,2 tỷ.
Việc khối ngoại giảm mua vào đang đi cùng các thống kê về dòng vốn ETF chững lại. Ví dụ quỹ Fubon tuần trước trung bình mỗi ngày hút ròng tới 254,8 tỷ đồng, nhưng từ đầu tuần này chỉ hút ròng trung bình chưa tới 35 tỷ đồng/ngày. Thực tế sẽ không thể có chuyện ngày nào các quỹ cũng hút tiền ồ ạt được, sẽ có lúc cao lúc thấp, thậm chí bị rút ròng đi. Tuy nhiên sau đợt hút vốn liên tục ở quy mô khổng lồ từ đầu tháng 10 vừa qua, dường như đã đến lúc dòng vốn này chững dần lại. Đó sẽ là thiệt thòi cho thị trường.