Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso... với tần suất theo quý. Các thông tin phải cung cấp theo quy định bao gồm thông tin chung (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.
Dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT cho biết đã có 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn với 15,9 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là khoảng 5.500 tỷ đồng.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tạ Thị Phương Lan, thông qua Cổng thông tin TMĐT, các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có thể cung cấp thông tin thuận lợi với quy mô dữ liệu lớn theo hình thức điện tử cho cơ quan thuế thay vì áp dụng hình thức thủ công như trước đây (bản giấy, file excel gửi qua email, gửi bằng USB).
Việc hỗ trợ các sàn cung cấp thông tin bằng hình thức điện tử thông qua Cổng giúp cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật thuế theo định hướng của Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Cổng có khả năng tiếp nhận thông tin với quy mô lớn, thường xuyên, liên tục từ các sàn TMĐT nhờ hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đảm bảo bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Theo Phó vụ trưởng, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Trên cơ sở thông tin do sàn TMĐT cung cấp, cơ quan thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế hoặc điều chỉnh doanh thu nếu chưa phù hợp.
Với dữ liệu thông tin thu được, ngành thuế sẽ tổ chức phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế.
Trường hợp cá nhân không thực hiện việc kê khai, nộp thuế hoặc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Mức thuế suất áp dụng đối với cá nhân kinh doanh theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính, mức thuế suất theo 4 nhóm ngành nghề lớn là:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: thuế suất thuế GTGT 1%, thuế suất thuế TNCN 0,5%.
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: thuế suất thuế GTGT 5%, thuế suất thuế TNCN 2%.
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: thuế suất thuế GTGT 3%, thuế suất thuế TNCN 1,5%.
- Hoạt động kinh doanh khác: thuế suất thuế GTGT 2%, thuế suất thuế TNCN 1%