Nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ xảy ra trên thị trường thời gian vừa qua cho thấy khách hàng không được tư vấn, giải thích cặn kẽ về điều khoản bảo hiểm khi ký hợp đồng.
Có tình trạng nhiều đại lý, tư vấn viên không hề cung cấp điều khoản bảo hiểm, chỉ tư vấn trên bảng minh họa quyền lợi. Trong khi đó, bảng minh hoạ chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không có giá trị pháp lý. Nhiều thông tin về rủi ro được bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm, nghĩa vụ của bên mua và các hình thức chế tài đối với bên mua nằm hết trong bộ điều khoản, mà bộ điều khoản này chỉ được giao cho khách hàng sau khi khách hàng đã ký hợp đồng, đóng phí…
Có thể điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm đã ký
Căn cứ Khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Có 5 loại hợp đồng cụ thể: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm. Và tại Khoản 4 của Điều 15 đã quy định rất rõ: “Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Theo Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw), việc thỏa thuận ký kết Hợp đồng bảo hiểm phải được các bên tham gia tuân thủ theo các quy định của Bộ luật Dân sự.
Căn cứ Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg thì các hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu, trong đó có nhắc tới Hợp đồng “Bảo hiểm nhân thọ” (chính là Hợp đồng bảo hiểm con người) và cần phải đăng ký theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định 99/2011/NĐ-CP.
"Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cả hai bên có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, và phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, đến Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nội dung này đã được lược bỏ. Vì vậy, có thể hiểu rằng việc sửa các điều khoản trong hợp đồng cần phải thực hiện theo các nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Dân sự đối với Hợp đồng mẫu".
Luật sư Phạm Ba Đô, Công ty Luật TNHH SJKLaw.
Luật sư Đô cho biết, trong Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cả hai bên có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, và phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, đến Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nội dung này đã được lược bỏ. Vì vậy, có thể hiểu rằng việc sửa các điều khoản trong hợp đồng cần phải thực hiện theo các nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Dân sự đối với Hợp đồng mẫu.
Bản chất của việc tham gia giao dịch Dân sự, thì các bên tham gia buộc phải biết và cần phải biết về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia giao dịch Dân sự. Bởi vậy, khi tham gia bảo hiểm theo Hợp đồng mẫu, các cá nhân/tổ chức vẫn có thể đàm phán, thỏa thuận lại các nội dung của Hợp đồng.
Hơn thế nữa, tại Điều 405 Bộ luật Dân sự xác định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”. Và trong “hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy có thể thấy, cá nhân khi tham gia cần đọc kỹ, đầy đủ các nội dung của Hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất cho mình.
5 lưu ý khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 ngày 16/6/2022, một số nội dung trên đã được điều chỉnh theo hướng tích cực. Cụ thể, đã mở rộng các loại hình bảo hiểm từ 3 lên 5 loại hình và bổ sung một số nội dung bắt buộc của Hợp đồng bảo hiểm.
Luật sư Đô cũng đưa ra một số lưu ý cho khách hàng khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm với công ty bán bảo hiểm.
Thứ nhất, khách hàng phải xác định rõ, nắm đầy đủ thông tin về Công ty kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và tư vấn viên có đủ trình độ, có chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nhân thọ hay không.
Thứ hai, cần xác định rõ tình trạng về sức khỏe của bản thân trước và tại thời điểm ký kết Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (tránh các điều khoản loại trừ về sức khỏe);
Thứ ba, cần tham vấn và lựa chọn các sản phẩm chính và bổ trợ (nếu cần thiết) phù hợp với người tham gia (bao gồm cả hình thức tham gia tích lũy và đầu tư);
Thứ tư, đọc kỹ các điều khoản của Hợp đồng liên quan đến các nội dung: phí, đóng phí, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các trường hợp được hưởng quyền lợi bảo hiểm (tương ứng với các tài liệu, giấy tờ chứng minh);
Thứ năm, xác định rõ quy trình, trình tự giải quyết quyền lợi: chi trả, điều kiện hủy hợp đồng….
Trên hết, khi khách hàng đặt bút ký vào hợp đồng, mọi thứ sẽ có hiệu lực pháp lý, nên cần phải rất cẩn trọng. Nếu không hiểu rõ về sản phẩm, khách hàng phải yêu cầu bên bán bảo hiểm tư vấn rõ ràng
“Tôi nghĩ rằng, thường các hợp đồng về bảo hiểm đa phần sẽ rơi vào 3 kiểu tranh chấp. Thứ nhất là tranh chấp về hưởng quyền lợi chi trả bảo hiểm liên quan đến vấn đề kê khai sức khỏe của người tham gia bảo hiểm. Thứ hai là tranh chấp về hưởng quyền lợi chi trả bảo hiểm liên quan đến việc đóng phí trễ hạn, sau đó lại tham gia lại Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, và cuối cùng là tranh chấp về hưởng quyền lợi chi trả bảo hiểm liên quan đến vấn đề tài liệu chứng minh hưởng quyền lợi” – luật sư Đô nói.