Dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm đã bắt đầu. Dù đa số công ty du lịch đã thông báo "chốt tour", "đóng sổ" combo du lịch từ sớm, du khách vẫn có thể tìm thấy những bài đăng rao bán sản phẩm giá rẻ.
Cố hoàn thành vào phút chót
Theo ghi nhận của phóng viên, trên các hội nhóm chuyên tour giờ chót, sản phẩm giá rẻ vẫn được rao bán rầm rộ. Đây là thời điểm các đơn vị giảm giá mạnh cho những chỗ cuối cùng hay chỗ do khách hủy.
Trong các combo du lịch, yếu tố quan trọng nhất quyết định giá cao hay thấp là giá vé máy bay. Những ngày gần đây, giá vé của một số chặng đến các điểm du lịch nổi tiếng đã có phần hạ nhiệt.
Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HD Holding sở hữu nền tảng đặt vé máy bay trực tuyến Gotadi, cho biết giá vé bị tác động chủ yếu do chủ trương từ các hãng hàng không. Ban đầu, hãng bán vé giá cao nhưng đến cận ngày vẫn còn nhiều chỗ trống nên họ hạ giá để tối ưu hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc một số khách sạn bỏ phụ thu dịp lễ để thu hút khách giờ chót cũng là một trong những lý do khiến các combo du lịch có giá "sập sàn" vào giờ chót.
Với các điểm đến trong nước, một số combo du lịch đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Mũi Né (Bình Thuận) được chào bán với mức giá chỉ hơn 1,5 triệu đồng, bao gồm cả phương tiện di chuyển và khách sạn.
Ở thị trường nước ngoài, tour Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia - Singapore được tìm kiếm nhiều nhất. Tour Thái Lan giờ chót dao động khoảng 6-7 triệu đồng, bao gồm chi phí vé máy bay, ăn ở và điểm tham quan.
Chia sẻ với Zing, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Best Price cho biết việc các đơn vị "xả hàng" vào phút chót là điều bình thường. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ nhiều phía như khách hủy, thanh lý hộ khách hay các bên "ôm hàng" đang cố bán nốt.
Lý giải cụ thể cho việc bán cố phút chót như sau, việc "ôm" series vé máy bay hay phòng khách sạn khá phổ biến trong ngành du lịch. Thông thường, các đơn vị sẽ giữ một lượng phòng và vé nhất định trước những được cao điểm du lịch để có được mức giá tốt. Nếu bán hết, các đơn vị này sẽ có lời. Còn không, họ phải chấp nhận xả hàng với mức giá thấp hơn hoặc mất trắng.
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo
Giá vé máy bay là yếu tố quan trọng quyết định đến giá của combo. Trong những ngày gần đây, giá vé một số chặng nội ghi nhận có sự giảm giá, tuy nhiên không đến mức giảm sâu hay "xả lỗ" như nhiều bài quảng cáo.
Đại diện một đại lý vé máy bay cấp một từng chia sẻ với Zing rằng những bài đăng như "xả lỗ vé máy bay", "xả seri vé đoàn", "vé rẻ hơn trên web hãng" chỉ là cách một số đại lý cấp 2 dùng để thu hút tương tác của khách hàng.
Chính vì vậy, du khách nên cẩn trọng với những bán đăng chào bán vé với mức chiết khấu lên đến 20-30% bởi đây có thể là một bẫy lừa đảo những khách nhẹ dạ.
Còn theo ông Bùi Thanh Tú, khi chốt combo du lịch vào giờ chót, du khách cần thật bình tĩnh. Nếu đặt hàng với cá nhân trên mạng xã hội, hãy kiểm tra kỹ thông tin người dùng từ trang cá nhân, người bán làm cho công ty nào hay là cộng tác viên của bên nào để xác minh.
Nếu làm việc với công ty, du khách nên làm việc với các bên có email chính thức của công ty chứ không phải các loại email miễn phí.
Vừa qua, Bộ Công an cũng đã ra khuyến cáo về một số hình thức lừa đảo xuất hiện trong mùa du lịch, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và kỳ nghỉ hè sắp tới.
Cụ thể, trường hợp đầu tiên, kẻ lừa đảo đăng bài quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên Internet rồi nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (30-50% giá trị) để giữ chỗ tour du lịch hoặc phòng khách sạn. Sau đó, họ chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Bên cạnh đó, một số đối tượng sau khi mạo danh đại lý bán vé máy bay và lập trang web với đường link kèm thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, kẻ gian đưa ra mức giá hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Khi ai đó liên hệ, kẻ gian đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ và yêu cầu bị hại thanh toán. Sau khi nhận tiền, các đối tượng không xuất vé máy bay (mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay sẽ tự hủy sau một thời gian) và cắt liên lạc.