Con Cưng vẫn đang bỏ xa đối thủ về số lượng cửa hàng lẫn doanh thu, tuy nhiên Vietdata cho rằng đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Ảnh: Con Cưng.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 20,6 triệu trẻ em dưới 12 tuổi và khoảng 50,7 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49), tạo ra một thị trường sản phẩm cho mẹ và bé đầy tiềm năng.
Mặc dù tỷ lệ sinh giảm, Vietdata cho rằng điều này khiến các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng hơn vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ mẹ và bé.
Lợi nhuận Con Cưng liên tục đi lùi
Theo báo cáo của Nielsen, thị trường sản phẩm và dịch vụ cho mẹ và bé tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2023, tăng trưởng với tốc độ ấn tượng 30-40%/năm.
Tuy nhiên, thị phần của các chuỗi bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 20%, cho thấy còn nhiều dư địa tăng trưởng. Những cái tên nổi bật là Con Cưng, Kids Plaza, Bibo Mart, AVAKids.
Sau khi nhận được khoản đầu tư 90 triệu USD từ Quadria Capital vào đầu năm 2022 (nâng mức hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài lên 49,36%), Con Cưng đặt mục tiêu đầy tham vọng là mở rộng mạng lưới lên 2.000 cửa hàng và sở hữu khoảng 200-300 siêu thị vào năm 2025.
Tuy nhiên, do tác động kép của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế khó khăn, công ty này đã phải liên tục điều chỉnh chiến lược kinh doanh và thu hẹp mạng lưới cửa hàng.
Hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung tối ưu hóa mạng lưới bán lẻ, duy trì khoảng 694 cửa hàng tại 49 tỉnh thành và đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Dù vậy, mạng lưới cửa hàng Con Cưng vẫn áp đảo thị trường, hơn gấp 4 lần đối thủ ngay sau là Kids Plaza.
Con Cưng dẫn đầu về số lượng cửa hàng trên thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé. Nguồn: Vietdata.
Tuy nhiên, dữ liệu của Vietdata cho thấy kết quả kinh doanh năm 2023 của Con Cưng có một số dấu hiệu đáng lo ngại, dù chuỗi này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế và mở rộng danh mục sản phẩm.
Doanh thu năm ngoái trên toàn chuỗi đạt 7.700 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Con Cưng đã giảm mạnh trong hai năm liên tiếp, lần lượt giảm 84% và 87% trong các năm 2022 và 2023.
Trong bối cảnh hiện tại, Con Cưng tập trung đưa hàng tiêu dùng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Đầu năm nay, hệ thống bán lẻ này đã hợp tác với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) văn phòng TP.HCM để giới thiệu sản phẩm trẻ em Nhật Bản đến thị trường Việt Nam.
Những "làn gió mới" giành thị phần
Theo Vietdata, nhiều doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang đối mặt với những thách thức áp lực chi phí mặt bằng tăng cao, quyết định mở rộng quy mô thiếu hiệu quả trong quá khứ, cũng như yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số chuỗi mẹ và bé vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. "Cuộc cạnh tranh để giành thị phần ngày càng khốc liệt, khi các thương hiệu lâu năm phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những 'làn gió mới' đầy sáng tạo và năng động", báo cáo của Vietdata nêu rõ.
Đơn cử, Kids Plaza với 159 cửa hàng đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng 22% so với năm ngoái, vượt mức 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng lên đến gần 100 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chuỗi này tăng trưởng khả quan, duy trì vị thế thứ hai vững chắc trên thị trường.
Với kết quả kinh doanh này, Kids Plaza nắm thị phần tương đương 1/4 Con Cưng, tuy nhiên gấp đôi hai chuỗi theo sau là Bibo Mart và AVAKids.
Kids Plaza và AVAKids chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Nguồn: Vietdata.
Bibo Mart mặc dù doanh thu năm ngoái giảm nhẹ 4% so với năm 2022, ở mức khoảng 900 tỷ đồng, nhưng đã ghi nhận lợi nhuận dương trở lại sau một năm khó khăn nhờ chuyển đổi số thành công.
Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh mẽ nhất là AVAKids - thương hiệu bán lẻ sản phẩm mẹ và bé thuộc CTCP Thế Giới Di Động. Chuỗi này mới gia nhập thị trường vào năm 2022 nhưng đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới lên đến 71 cửa hàng chỉ trong vòng một năm.
Dẫu vậy, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung vào cuối năm 2022, kế hoạch mở rộng của AVAKids buộc phải điều chỉnh. Số lượng cửa hàng giảm xuống còn 64 và ổn định từ đó đến nay.
AVAKids "sinh sau đẻ muộn" nhưng đang là tên tuổi đáng gờm trên thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé. Ảnh: Duy Hiệu.
Nhưng xét về hiệu quả hoạt động, doanh thu chuỗi này đã bật tăng 80% lên mức gần 900 tỷ đồng và nhanh chóng vươn lên top 4 doanh nghiệp có thị phần cao nhất ngành bán lẻ mẹ và bé, áp sát Bibo Mart.
Năm nay, hệ thống đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước thời điểm cuối năm.
Đến nay, đây là chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé có doanh thu bình quân trên mỗi điểm bán cao nhất Việt Nam, đạt 1,7 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Đáng chú ý, kênh online đang đóng góp tới 30% tỷ trọng trong tổng doanh thu của AVAKids, trong bối cảnh các chuỗi lớn khác cũng đang đầu tư mạnh cho mảng thương mại điện tử.