Tờ WSJ đưa tin, Ford Motor đã lỗ khoảng 37.000 USD trên mỗi chiếc xe điện bán được vào quý trước. Tệ hơn nữa, mảng kinh doanh xe động cơ xăng của công ty cũng đang chịu chi phí cao hơn mức bình thường - một điểm khác biệt so với đối thủ General Motors mà các nhà đầu tư đang mạo hiểm phớt lờ.
Cụ thể, kết quả kinh doanh quý 3 mà Ford báo cáo hôm thứ năm không mấy khả quan, với lợi nhuận hoạt động điều chỉnh là 2,2 tỷ USD. Con số này tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi công ty buộc phải đưa ra cảnh báo lợi nhuận, nhưng lại tệ hơn mức 2,7 tỷ USD mà các nhà phân tích dự kiến. Để so sánh, lợi nhuận hoạt động của GM trong quý 3 là 3,6 tỷ USD. Cổ phiếu của Ford đã giảm khoảng 4% trong phiên giao dịch vào thứ sáu.
Điều khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn đôi chút là việc công ty đang nỗ lực tăng tính minh bạch trong nội bộ: Giám đốc điều hành Jim Farley cố gắng giải quyết các vấn đề trong nội bộ bằng cách cho phép người bên ngoài giám sát. Vì vậy, các chuyên gia nhận định rằng, rõ ràng những rắc rối mà Ford đang gặp phải không chỉ là vấn đề về xe điện - dù thực tế đúng là như vậy.
Bộ phận mới Model e của Ford đã lỗ hoạt động khoảng 1,3 tỷ USD trong quý 3, cao hơn gấp đôi mức lỗ một năm trước đó, mặc dù doanh số chỉ tăng 44%. Việc Tesla giảm giá các mẫu xe của họ khiến Ford cũng buộc phải đáp trả bằng việc hạ giá dòng Mustang Mach-E, đã khiến lợi nhuận vốn đã không khá khẩm là bao của công ty trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, họ cũng đang đầu tư mạnh vào các loại xe thế hệ tiếp theo để cải thiện tính kinh tế của mảng kinh doanh này. Kết quả là trong cuộc họp hôm thứ 5, Ford đã đi theo chiến lược của GM, xác nhận tốc độ đầu tư xe điện sẽ chậm hơn.
Tuy nhiên, vấn đề với xe điện vốn không phải mới và khoản lỗ trong quý 3 của chi nhánh Model e chỉ tệ hơn một chút so với dự đoán của các nhà phân tích. Nguyên nhân lớn hơn nhiều nằm ở việc chi phí bảo hành cao hơn 1,2 tỷ USD so với năm ngoái. Chi phí sửa chữa xe theo chế độ bảo hành là vấn đề mà Ford đã gặp phải trong nhiều năm, gây ra kết quả tài chính gập ghềnh khó dự đoán. Tình trạng khó khăn này càng thêm trầm trọng khi chịu thêm lạm phát trong chi phí sửa chữa của các đại lý.
“Vấn đề cốt lõi là sự phức tạp trong danh mục sản phẩm truyền thống”, Farley giải thích trong cuộc họp với các nhà phân tích. Việc sử dụng nhiều thiết bị đã khiến chi phí làm xe của Ford tăng thêm. Công ty thậm chí đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới vào tuần trước trong một nỗ lực khác nhằm nắm bắt tốt hơn cái gọi là “hệ thống công nghiệp” của Ford.
Dĩ nhiên, với việc người Mỹ tiếp tục vung tiền mua xe, những chi phí tăng thêm mà Ford phải gánh chịu trong hoạt động kinh doanh động cơ xăng không còn quan trọng nữa. Nhưng, điều này khiến Ford dễ chịu tổn thương hơn khi muốn đảo ngược giá xe mới so với các công ty cùng ngành là GM và Chrysler, hiện là một chi nhánh có lợi nhuận cao của nhà sản xuất ô tô toàn cầu Stellantis. Trong cả năm, các nhà đầu tư đều kỳ vọng giá sẽ giảm, giống như trên thị trường đồ cũ, nhưng giá vẫn ở mức cao trong quý 3 đối với cả Ford và GM.
Dẫu vậy, trong thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư có vẻ vẫn vui vẻ bỏ qua điểm yếu về chi phí của Ford. Cổ phiếu của hãng xe này hiện được giao dịch ở mức cao hơn một chút so với GM. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt hơn, khi ấy, mức chi phí quá lớn của Ford có thể sẽ khiến các nhà đầu tư phải để mắt tới.
Theo: WSJ