“Một, hai, ba, dzô!”
23h tại chợ đêm Bavet (Svay Rieng, Campuchia), những âm thanh “thuần Việt” vang lên không ngớt trên bàn nhậu, áp đảo hoàn toàn một giọng ca người Campuchia say khướt đang hát. Bài hát ấy nếu nghe kỹ, là phiên bản tiếng Khmer của ca khúc Nửa vầng trăng.
Trái với dự đoán ban đầu của tôi về một địa bàn nơi người Việt Nam lép vế, xuất hiện trên truyền thông như những nạn nhân tháo chạy khỏi “địa ngục trần gian”, đêm ở Bavet cho thấy sự dồi dào cả về số lượng người Việt lẫn mức độ thụ hưởng đời sống.
Người Việt chiếm số đông trong các sòng bạc tại Bavet. Ảnh: Ngọc Tân.
Người Việt cũng chiếm đa số trong các casino dọc quốc lộ. Khác với khách ăn nhậu tại chợ đêm, khách đánh bạc thường nhiều tuổi hơn. Họ mím môi đặt tiền và căng thẳng nặn từng lá bài thay vì nói cười huyên náo.
“Người Việt mà bạn đang nhìn thấy là những người không bị nhốt”, anh K., một shipper làm việc tại Bavet chia sẻ với tôi trước khi nổ máy chở mấy chục suất cơm hộp đến một địa điểm mà anh gọi là “Khu Kim Sa”.
Những đặc khu nuôi nhốt
Trải qua 2 năm dịch bệnh, trung tâm cờ bạc của thành phố Bavet có dấu hiệu hồi sinh khi lượng khách chơi từ Việt Nam quay trở lại, tuy nhiên mức độ sầm uất chưa được như năm 2019 do tệp khách hàng từ Trung Quốc vẫn đang “đóng cửa chống dịch”.
Tại chợ đêm Bavet, tôi hỏi thăm anh K. - một người Việt gốc Bình Dương - về việc lao động Việt Nam đang trốn chạy khỏi các casino. Anh trả lời: “Họ bị nhốt trong các công ty game bài trực tuyến, không phải trong casino”.
Để giải thích khái niệm casino theo nghĩa truyền thống, K. dùng một từ tiếng Việt quen thuộc: Sòng bạc. Ở Bavet có nhiều sòng bạc nằm dọc quốc lộ như Moc Bai, Le Macau, Crown… sự hiện diện của chúng bắt nguồn từ chính sách cho phép đầu tư dịch vụ cờ bạc tại Campuchia.
Đường sá tại Bavet thiết kế kiểu xương cá với trục chính là quốc lộ 1 Campuchia và các đường nhánh. Casino được xây dựng lộng lẫy như những cung điện – hầu hết chiếm vị trí mặt tiền quốc lộ. Đồ họa: Duy Anh.
Tuy nhiên, casino tại Bavet đang biến tướng với việc mọc lên phía sau những tổ hợp cờ bạc trực tuyến do người Hoa làm chủ. Loại hình cờ bạc online đã bị Chính phủ Campuchia ban lệnh cấm từ năm 2019 nhưng vẫn tồn tại ngang nhiên.
"Chúng tôi cần dòng tiền từ nước ngoài đổ vào và không cấm đoán nhà đầu tư đến từ bất cứ nước nào. Nhưng chẳng mấy ai hứng thú đầu tư ngoại trừ người Hoa, nên bạn biết đấy...", anh Kim, một trí thức người Campuchia sinh sống tại Phnom Penh, nói với phóng viên.
Sòng bạc ế khách do Covid-19 khiến các chủ đầu tư người Hoa càng đẩy mạnh loại hình cờ bạc trực tuyến. Họ đặt các công ty game bài bên trong đặc khu và lợi dụng cơ chế ưu đãi của nước sở tại để ngăn lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát các tổ hợp này.
Một bức tường đặc khu với hàng rào thép gai để nuôi nhốt người lao động. Ảnh: Ngọc Tân.
Theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến nơi có 56 người Việt "phá cửa chạy thoát thân" vào buổi chiều mưa 17/9. Đó là một chiếc cổng chào nguy nga hướng ra mặt lộ, dẫn vào một tổ hợp chung cư, cao ốc văn phòng và trung tâm giải trí.
Khu vực này được người Việt đặt tên là "Hai Con Voi". Từ đầu cổng đã có đội bảo vệ cầm bộ đàm đứng túc trực. Họ điều khiển chiếc barie nâng lên hạ xuống và dò xét người ra vào.
"Bảo vệ ở đó không phải để ngăn kẻ trộm bước vào, mà ngăn người ở trong trốn ra", shipper tên K. chia sẻ.
Hàng rào thép gai, camera an ninh và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp là những thứ cần thiết để duy trì được việc cưỡng bức lao động. Nói theo lý lẽ của giới chủ, đó là những biện pháp bảo vệ đồng vốn mà họ bỏ ra để mua lao động từ những người môi giới.
Bảo vệ ở đó không phải để ngăn kẻ trộm bước vào, mà ngăn người ở trong trốn ra.
Shipper tên K
Theo khảo sát của phóng viên, một số tòa nhà tại Bavet tích hợp cả 2 chức năng: Phần mặt tiền làm casino và khu vực phía sau vận hành cờ bạc trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi chỉ tập trung nuôi nhốt người làm cờ bạc trực tuyến như khu Kim Sa, khu Venus...
Nhiều người lao động bị nuôi nhốt vẫn được sử dụng điện thoại và mạng internet, nhưng những nỗ lực cầu cứu, tố giác với chính quyền gặp phải trở ngại. Tin đồn được lan truyền trong từng dãy ký túc xá về việc các chủ công ty có "quan hệ rộng".
Do việc báo chính quyền đôi khi không thành công, lao động Việt Nam bị nuôi nhốt tại Campuchia thường chọn một phương thức khác: Lựa thời điểm thích hợp để tháo chạy.
Cơn khát lao động
Để lôi kéo được lượng khách chơi cờ bạc trực tuyến, các công ty phải tuyển dụng đội ngũ nhân lực đông đảo với nhiệm vụ chính là nhắn tin tương tác với người chơi, trò chuyện và dụ dỗ họ chơi cờ bạc… Sở dĩ lao động nói tiếng Việt được tuyển dụng nhiều tại Bavet là bởi “con mồi” mà các app game bài nhắm đến chính là người Việt trong nước.
Chia sẻ với Zing, V.T. - cô gái 21 tuổi làm việc tại khu Kim Sa - cho biết đội ngũ môi giới, tuyển dụng lao động (HR) hầu hết là người Việt Nam. Việc của họ là kết nối, dụ dỗ người Việt vượt biên sang Campuchia làm việc. Với mỗi lao động được đưa sang thành công, người môi giới nhận mức hoa hồng từ công ty lên tới 1.000-3.000 USD.
Tuy nhiên, sau khi trả tiền hoa hồng cho môi giới, công ty lập tức chuyển nó thành khoản nợ mà người lao động phải gánh. Muốn rời khỏi công ty, người lao động chỉ còn 2 lựa chọn: Thanh toán cả nghìn USD (gọi là tiền chuộc) hoặc ở lại làm việc để trừ nợ.
Cổng ra vào khu Kim Sa được bảo vệ canh gác nghiêm ngặt, xung quanh có tường rào thép gai. Ảnh: Ngọc Tân.
Ở Bavet, giá chuộc người cũng tuân theo quy luật thị trường. Trước đây chỉ 1.000 USD/người. Hiện nay người Việt trong nước cảnh giác và khó bị dụ dỗ hơn, nguồn lao động khan hiếm, giá chuộc người bị đẩy lên đến 3.000-4.000 USD.
Cách đây 2 tháng, V.T. từ Đồng Nai sang Bavet làm việc theo sự chỉ dẫn của môi giới người Việt. Kẻ môi giới hướng dẫn cô cách vượt biên và chỉ đường vào khu Kim Sa.
Khu Kim Sa chỉ nằm cách cửa khẩu Bavet - Mộc Bài hơn 600 m. Đây là một tổ hợp nhà cao tầng được vây 4 bề bởi hàng rào dây thép gai và các bốt bảo vệ. Chỉ có một đường duy nhất để ra vào khu với 2 lớp cửa có người canh gác.
2 tháng từ khi bước chân vào cánh cổng sắt có dây thép gai giăng trên nóc, T. chưa từng được bước ra khỏi cổng một lần nào. Đến khi sốt ruột đòi về, cô gái mới biết mình đang nợ công ty 2.000 USD. Đó là số tiền mà công ty đã trả cho kẻ môi giới để đón cô vào làm việc.
Khoác những danh xưng hào nhoáng như HR, tuyển dụng... người đã dụ dỗ đưa V.T. qua biên giới lộ rõ bản chất là kẻ buôn người. Chỉ cần bàn giao thành công một lao động Việt Nam, những kẻ buôn người nhận từ công ty cả nghìn USD.
Khi nạn nhân phát hiện ra mình bị lừa bán vào công ty game bài thì những kẻ buôn người đã ngắt kết nối, xóa sạch liên lạc.
Vòng luẩn quẩn lừa hại đồng bào
Các khu chợ công cộng vẫn tấp nập người Việt ra vào ăn nhậu. Họ là những người được công ty cấp thẻ, cho ra vào đặc khu tự do thay vì bị giam lỏng bên trong.
Theo chia sẻ của anh P., một lao động đã làm việc qua 3 công ty game bài tại Bavet, những người được tự do đi lại thường là nhân viên của những công ty tốt (không nhốt người), hoặc là những HR chuyên lừa lao động bán cho công ty, hoặc là những nhân viên xuất sắc được chủ đãi ngộ tốt.
Bên trong nơi làm việc của một công ty cờ bạc trực tuyến tại Campuchia. Ảnh cắt từ clip.
"Toàn người mình hại người mình thôi. Có ông chủ casino gốc Hoa còn ngỡ ngàng hỏi tôi vì sao người Việt ở đây lại dễ dàng lừa nhau như thế", P. ngán ngẩm chia sẻ.
Khi nhận ra mình đã bị đồng hương lừa bán, nhiều người lao động mong muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, họ gặp phải nhiều rào cản như phải trả hàng nghìn USD tiền phá hợp đồng, bị dọa đánh đập để bắt lao động. Đôi khi, người chủ cũng sẵn sàng "trói chân" lao động bằng mức thù lao hậu hĩnh.
Các công ty đánh bạc online thường có cách thao túng ứng dụng (app) để đảm bảo người chơi dễ dàng thua trắng. Thậm chí trong trường hợp phải thanh toán lượng lớn tiền cho người chơi, các chủ app sẵn sàng “thủ tiêu” sòng bạc online của mình. Dân trong nghề gọi đó là kinh doanh “app sập”.
Tại các công ty lừa đảo này, thù lao cho người lao động được tính bằng chính tỷ lệ phần trăm số tiền mà người đó lừa được từ khách chơi. Ví dụ khi lừa được một người đánh bạc thua 1 tỷ đồng, nhân viên sale được chia hoa hồng 8%, tương đương 80 triệu đồng, số tiền còn lại thuộc về nhà cái.
Với mức thù lao hậu hĩnh, nhiều nạn nhân của buôn người đã dần thỏa hiệp, biến mình trở thành thủ phạm của nạn lừa đảo cờ bạc trực tuyến.
Với mức thù lao hậu hĩnh, nhiều nạn nhân của buôn người đã dần thỏa hiệp, biến mình trở thành thủ phạm của nạn lừa đảo cờ bạc trực tuyến.
Bavet được coi là miền đất hứa với nhiều người Việt ham làm giàu. Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận đổi đạo đức lấy thu nhập, nhiều lao động vẫn không tích cóp được gia sản cho mình.
Khi màn đêm buông xuống, khu vực xung quanh cửa khẩu Bavet rực sáng đèn màu với nhiều dịch vụ như casino, bắn cá, massage, bay lắc... Phóng viên chứng kiến một nhóm thanh niên thuê phòng bay để chơi chất kích thích (ketamin) liền 2 ngày. Họ bước ra khỏi phòng với bộ dạng rũ rượi, theo sau là 2 cô gái "dịch vụ".
Sau 22h, khu chợ đêm Bavet tấp nập người Việt đổ ra từ các công ty cờ bạc. Họ là những lao động được cấp thẻ để ra vào khu nuôi nhốt. Ảnh: Hiếu Duy.
Nhiều người Việt không đến Bavet để làm cờ bạc hay ăn chơi thác loạn. Họ - giống như anh K. - chọn kiếm tiền bằng những dịch vụ phụ trợ như shipper, lái tuk tuk, bán tạp hóa, mở quán cơm...
Nhiều tiểu thương Việt Nam tại Bavet tỏ ra không đồng tình với công việc cờ bạc online, nhưng họ cũng phải thừa nhận mức độ chịu chi và sức mua cao từ các "công dân cờ bạc" giúp tạo ra nguồn thu chính cho những nhà hàng hay quán hát.
"Sau cùng vẫn là người mình tiêu tiền của người mình. Nguồn gốc đồng tiền đến từ người bị dụ chơi game bài online ở Việt Nam", P. chia sẻ.
Gần 3 tháng trước, dư luận xôn xao trước vụ việc 42 người Việt tháo chạy khỏi một doanh nghiệp cờ bạc ở tỉnh Kandal (Campuchia). Họ nhảy xuống sông Bình Ghi để bơi về phía biên giới Việt Nam (thuộc địa phận tỉnh An Giang). Liên tiếp sau đó, xuất hiện nhiều clip, bản tin về việc lao động Việt Nam tại Campuchia trốn chạy về nước.
Trước tình trạng số nạn nhân bị lừa sang các công ty cờ bạc bất hợp pháp ngày càng tăng, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã khuyến cáo nhiều lần để người dân nâng cao cảnh giác, không nghe theo những lời tuyên truyền “việc nhẹ lương cao” trên mạng và sẵn sàng tìm đường làm lao động bất hợp pháp ở Campuchia.
Trong cuộc họp báo hôm 22/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hơn 1.000 công dân Việt Nam được cứu khỏi các cơ sở lao động ở Campuchia. Hàng nghìn người khác được hỗ trợ làm thủ tục. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp với cơ quan chức năng của nước này rà soát, mở rộng điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia làm việc bất hợp pháp.