Quyết định 32 thay thế Quyết định 74/2008/QĐ-UBND trước đó về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, cho phép các trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường và đóng phí làm nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu phí…
Cho thuê, thu phí tạo ngân sách
Quyết định này nêu rõ nguyên tắc, khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải bảo đảm không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5 m.
Phạm vi được sử dụng như sau: Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 m. Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do Uỷ ban nhân dân TP.HCM quyết định.
Chính quyền TP.HCM cho phép các trường hợp sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè thỏa mãn các điều kiện, quy định trên phải nộp phí thuê “mặt bằng” theo quy định, bắt đầu từ ngày 01/9 sắp tới. Tuy nhiên, Quyết định 32 chưa nêu mức phí cụ thể cho các trường hợp sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng, báo cáo Uỷ ban nhân dân TP.HCM trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, mức phí dự kiến áp dụng theo 5 khu vực, dựa trên giá đất bình quân. Trong đó, mức phí thuê lòng đường và vỉa hè mỗi m2 để giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng/tháng. Giá thuê 20.000 - 100.000 đồng mỗi m2 cho hoạt động khác. Với mức tính phí như vậy, TP.HCM dự kiến sẽ tạo được nguồn thu 1.522 tỷ đồng/năm. Số tiền này được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố; trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.
Thống kê cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 4.800 tuyến đường có chiều rộng từ 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè, chiếm 54% tổng tuyến đường đô thị.
Quyết định 32 cho phép tạm sử dụng lòng, lề đường có thu phí của chính quyền TP.HCM trên cơ sở đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM” trước đó, được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, gây sự chú ý, quan tâm cùng những ý kiến trái chiều từ người dân Thành phố.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng lề đường, vỉa hè để kinh doanh tại TP.HCM là có thực và luôn là một vấn đề nan giải của chính quyền cùng các cơ quan chức năng của Thành phố. Bởi người có nhu cầu kinh doanh thì cần vỉa hè, trong khi người dân nói chung, người không có nhu cầu kinh doanh thì luôn băn khoăn “vì sao vỉa hè dành cho người đi bộ mà từ lâu nay họ gần như bị đẩy xuống đường mà chính quyền không giải quyết dứt khoát, dứt điểm được?”…
Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ không có quy định cho thuê vỉa hè. Các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có bất cứ quy định nào cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán hàng hóa, làm dịch vụ.
Không cấm được thì quản
Các nhà đề xướng cho phép sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè có thu phí lập luận rằng dù ngành chức năng có làm mạnh tay, triệt để dọn dẹp lòng, lề đường, vỉa hè thì lề đường, vỉa hè không vì thế mà “được trả” lại cho người đi bộ. Nói cách khác, các đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ đi chăng nữa thì cũng chỉ thông thoáng được một hai bữa mà thôi, đâu lại vào đấy!
Trên cơ sở đó, đề án thu phí sử dụng tạm lòng lề đường, vỉa hè cho rằng nếu không thể cấm nhu cầu thật thì phải quản. Không quản lý thì việc sử dụng tràn lan gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự giao thông. Quản lý tốt thì không chỉ giúp vỉa hè ngăn nắp mà còn tạo được nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.
Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) gần đây cho thấy, trung bình cứ 38 m đường trên địa bàn có một người bán hàng rong và tỷ lệ người bán đồ ăn thức uống chiếm đa số. Chiều rộng sử dụng của hàng ngồi cố định là 1,5 m và di động là nhỏ hơn hoặc bằng 1 m.
Khảo sát về phía người dân, HIDS ghi nhận được các con số sau: Có 61% hàng cố định và 36% di động đồng ý đăng ký sử dụng hè phố. Nhiều người bán hàng cố định muốn việc kinh doanh, buôn bán của họ được ổn định thông qua sự quản lý của chính quyền địa phương…
Vỉa hè dành cho người đi bộ, đây là một quan điểm trong quy hoạch và quản lý đô thị. Tại TP.HCM, thực tế cho thấy, nhiều nơi, nhiều tuyến đường đô thị, người dân phải bước xuống lòng đường, cùng “tham gia giao thông” với làn xe máy vì vỉa hè đã bị lấn chiếm kinh doanh buôn bán. Điều này gây phản cảm, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và mất an toàn cho người dân nói chung, khách bộ hành nói riêng, trong đó có người già và trẻ em.
Tuy nhiên, với đặc điểm đô thị tại TP.HCM, việc kinh doanh, mua bán hàng rong (gồm hàng rong đi dạo và hàng rong cố định tại vỉa hè,…) gần như là một đặc thù của thành phố “đất lành chim đậu” này. Vì thế, một số ý kiến cho rằng tư duy vỉa hè là của người đi bộ đã thực sự không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, Thành phố cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, nghĩa là vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ.
Trong khi đó, quan điểm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM là: vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5 m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Vì vậy, mong rằng chính quyền Thành phố, ngành giao thông Thành phố cần nhất quán với quan điểm này; đồng thời tăng cường công tác quản lý thường xuyên, sao cho việc cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè có thu phí, không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị và bảo đảm an toàn cho người dân.