Các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được vinh danh hàng đầu thế giới. Đơn cử, vịnh Hạ Long được vinh danh là một trong 7 kỳ quan di sản mới của thế giới. Đảo Phú Quốc trong top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2023, do Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn. Bãi biển Đà Nẵng là một trong 60 bãi biển đẹp nhất thế giới...
Mỏ vàng của ngành kinh tế xanh
Tại tọa đàm "Phát triển du lịch biển đảo bền vững" mới đây, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng, du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch biển đảo chính là mỏ vàng của ngành kinh tế xanh”.
Ở góc độ kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho biết, theo thống kê, trên 70% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo; 28 tỉnh, thành phố giáp biển đóng góp 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành. “Qua thực tế kinh doanh dịch vụ du thuyền tại vịnh Lan Hạ, vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và sắp tới là Phú Quốc, chúng tôi nhận thấy, du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu nghỉ dưỡng biển đảo rất lớn, nhưng chúng ta mới chỉ khai thác được một phần nhỏ giá trị biển đảo để phát triển du lịch”, ông Phạm Hà nói.
Năm nay, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, trong đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn. Đến Lý Sơn dịp này, ngoài cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với biển, đảo, núi lửa triệu năm hoang sơ, hùng vĩ, du khách có cơ hội khám phá kho tàng văn hoá độc đáo được dân đảo lưu giữ hàng trăm năm nay. Một điểm đến ở thị xã Đức Phổ, nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút khách du lịch đó là Sa Huỳnh. Nơi đây có bờ biển dài tuyệt đẹp, cuộc sống dân dã của cư dân bản địa, món ăn biển tươi ngon…
Mới đây nhất, cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết lần lượt được thông xe đã nối liền mạch gần 150 km đi qua địa bàn Bình Thuận. Có thể nói cơ hội đang rộng mở cho ngành “công nghiệp không khói” nơi đây, đặc biệt là thế mạnh về du lịch biển đảo (192 km chiều dài bờ biển và nhiều đảo, cù lao). Cùng với khí hậu ít mưa, nhiều nắng, đầy gió, du lịch địa phương có điều kiện phát triển các loại hình thể thao giải trí trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, chèo SUP hoặc lặn biển ngắm san hô… Gần đây, du lịch Bình Thuận còn thu hút du khách khắp nơi với 2 “ngôi sao” mới nổi là Phú Quý (huyện đảo Phú Quý) và Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong).
Ở phía Bắc, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình biển đảo độc đáo, huyện Vân Đồn xác định du lịch tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Hiện việc tổ chức không gian phát triển sản phẩm du lịch Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn đã được định hình rõ và hình thành các sản phẩm du lịch biển đảo đặc trưng theo khu vực: Khu du lịch đảo Cái Bầu (khu du lịch lưu trú, dịch vụ ven bờ gồm các xã Hạ Long, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng) và Khu du lịch biển đảo (các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi; Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Vịnh Bái Tử Long)...
Mục tiêu là phát triển bền vững
Tại hội thảo “Phát triển Du lịch biển, đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế. Năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% tổng thu của cả nước.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), bên cạnh những kết quả đạt được về du lịch biển đảo, vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm như: thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển còn thấp; tính mùa vụ còn rất cao, nhất là ở miền Bắc. Các sản phẩm du lịch cao cấp chưa có nhiều. Các nhà đầu tư còn chú trọng thu lợi nhuận ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn do sức ép về tài chính và muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch biển đảo còn mang tính tự phát...
TS. Phạm Hồng Long cho rằng, Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Điều này khiến dịp cao điểm, những vùng biển này bị quá tải, kéo theo nhiều hệ luỵ về văn hóa kinh doanh, suy thoái môi trường, xung đột về sử dụng tài nguyên biển, lạm phát giá… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch nói chung, cho du lịch biển đảo nói riêng thời kỳ hậu Covid-19 thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà cho rằng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển mới chiếm khoảng 2% tổng lượng khách, còn rất nhiều dư địa để khai thác. Song, chúng ta chưa có những tàu du lịch lớn quy mô vài ngàn chỗ để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Chưa có tour đưa khách nước ngoài du lịch Việt Nam bằng đường thủy… Do đó, Chủ tịch Lux Group cho rằng, ở góc độ quản lý vĩ mô, cần có chiến lược, kế hoạch khai thác du lịch biển đảo hài hòa và bền vững hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng song song với phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, các bộ ngành và địa phương cần thể chế hóa nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư hạ tầng du lịch; Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách quốc tế. Đồng thời ngành du lịch phải tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững.