Mỗi tháng, Khánh Toàn (23 tuổi, Hà Nội) dành khoảng 7 triệu đồng, tương đương 50% thu nhập, cho sinh hoạt phí thiết yếu, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe và ăn uống. Số tiền còn lại, anh phục vụ việc mua sắm, gặp mặt bạn bè và theo đuổi một số sở thích riêng. Theo anh, đây là con số phù hợp cho cuộc sống độc thân tại đô thị.
Tuy nhiên, với bố mẹ anh tại Nam Định, số tiền này gần gấp đôi chi phí tiêu dùng cho 3 người trong gia đình ở quê.
“Người thân biết cuộc sống một mình tại Hà Nội rất đắt đỏ, nhưng không nghĩ tốn kém nhiều tiền đến vậy”, anh nói với Zing.
Kể từ lần tâm sự đó, hành lý của Toàn sau mỗi dịp về thăm nhà ngày càng nặng hơn trước khi mẹ anh cố gắng nhét thêm ký thịt, mớ rau vào ba lô đã chật cứng của con trai.
Chênh lệch mức sống
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 của Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM là 3 địa phương có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước.
Hà Nội là nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam và đã giữ vững vị trí này suốt nhiều năm. Trong khi đó, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.
Mức chênh lệch lớn về giá cả, chi phí cuộc sống giữa các địa phương đôi khi tạo ra sự khác biệt lớn trong cách tiêu dùng, tích lũy của con cái - những người trẻ sống tại đô thị và phụ huynh ở quê nhà.
Để ủng hộ con cái tiếp tục theo đuổi sự nghiệp và phát triển ở thành phố lớn, một số gia đình tìm các cách hỗ trợ - từ gửi thêm thực phẩm, tiền tiêu vặt cho đến mua nhà cho các con.
Như Khánh Toàn, một vài lần, bố mẹ khuyên anh cân nhắc việc về quê sinh sống, làm việc. Theo gia đình, chỉ cần thu nhập bằng một nửa tại Hà Nội, anh đã có thể sống tốt ở Nam Định.
“Nhà không cần thuê, ăn uống, chi tiêu đều rẻ, lại có gia đình đỡ đần”, mẹ nói với anh như vậy.
Tuy vậy, nhân viên kinh doanh này vẫn muốn tiếp tục bám trụ ở thành phố. Anh không muốn lãng phí nỗ lực trong những năm qua, bao gồm nhiều mối quan hệ xã hội mà anh cất công gây dựng được.
Hiện Khánh Toàn cũng tìm cách tăng thu nhập bằng công việc làm thêm online. Anh nhận chỉnh sửa, thiết kế poster quảng cáo đơn giản với giá 30.000-60.000 đồng/sản phẩm.
“Tôi tin rằng nếu phấn đấu thêm vài năm nữa, tôi sẽ có sự nghiệp tốt với mức lương cao hơn nữa”, anh chia sẻ.
Đầu năm, khu đất ở quê nhà Đắk Lắk thuộc diện giải tỏa, bố mẹ của Hải Thanh (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) được đền bù hơn 2,5 tỷ đồng. Họ dự định dùng toàn bộ số tiền này mua một căn hộ 3 phòng ngủ tại TP.HCM làm món quà tặng cho 3 người con đang học tập, làm việc tại đây.
Nghe thông báo của bố mẹ, Hải Thanh và chị, em mình phải phân tích rằng khoản tiền này không đủ để mua một căn nhà phù hợp. Trong khi đó, với phụ huynh, 2,5 tỷ đồng là khoản tích lũy cả đời.
“Ở quê tôi, số tiền này đủ mua đất, xây được cả một căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi. Trong khi đó, ở TP.HCM, chúng tôi chỉ có thể tìm ra khu vực như quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, không tiện cho việc đi làm, đi học của 3 chị em”, cô cho hay.
Hải Thanh cùng chị gái bàn bạc với bố mẹ về phương án vay thêm ngân hàng để mua căn hộ có giá 3,5 tỷ tại một dự án ở quận 7 - nơi gần với công ty, trường học hơn. Khoản vay sẽ được 3 chị em chia nhau trả góp.
Tuy vậy, phụ huynh gạt đi. Họ không muốn con cái gánh thêm khoản nợ.
Hỗ trợ con bằng nhiều cách
Một lần từ Quảng Ngãi vào TP.HCM khám bệnh, mẹ của Anh Tú (23 tuổi, quận 4, TP.HCM) được con trai chiêu đãi món thịt nướng trong nhà hàng Hàn Quốc. Bà không nói gì khi con thanh toán hóa đơn hơn một triệu đồng. Nhưng trên đường về nhà, người mẹ liên tục nhận xét món ăn đắt đỏ.
Theo Tú, mẹ mình còn bất ngờ hơn với giá cả thực phẩm trong siêu thị. Với phụ huynh, mớ rau 15.000 đồng trên kệ phun sương chỉ có giá 5.000 đồng ở khu chợ gần nhà, ký thịt ba chỉ heo 180.000 đồng trong tủ mát đắt gấp đôi thịt ở quê, đồng thời không thể tươi ngon bằng.
“Mẹ chưa bao giờ hỏi tôi về đồng lương. Sau chuyến lên thăm hiếm hoi đó, mẹ nhiều lần hỏi tôi liệu có đủ tiền sinh hoạt hay không, nếu thiếu phải nói với mẹ ngay”, Anh Tú kể lại.
Cũng từ đó, gia đình liên tục gửi thực phẩm từ quê vào thành phố cho con trai. Trong chiếc thùng xốp vận chuyển bằng xe khách, bố mẹ anh xếp chật kín cá khô, thịt heo, thịt gà, trứng, rau xanh, chanh, ớt, hành, tỏi và cả gia vị như nước mắm, hạt tiêu…
“Tôi tất nhiên chẳng thể giàu lên với số thức ăn được bố mẹ gửi. Nhưng tôi hiểu đó là tình cảm của gia đình. Tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ chăm chỉ về nhà nấu cơm, sợ để lâu đồ ăn bị hỏng, lãng phí”.
Trong khi đó, Vân Anh (24 tuổi) có cuộc sống dễ chịu hơn ở thành phố nhờ sự hậu thuẫn, hỗ trợ lớn từ bố mẹ ở quê nhà Thái Nguyên.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2021, cô sở hữu căn hộ cho riêng mình ở quận Long Biên, Hà Nội.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết đây là món quà từ gia đình. Mới ra trường, cộng thêm mức sinh hoạt phí cao ở thành phố, cô chắc chắn mình không thể đủ sức tự mua căn nhà gần 3 tỷ đồng.
“Môi trường kinh doanh ít cạnh tranh cùng mức chi tiêu tiết kiệm giúp bố mẹ tôi dành dụm được đáng kể. Nếu lên Hà Nội sinh sống, có lẽ nhà tôi khó để dành được như vậy”, cô cho hay.
Trước khi được gia đình mua tặng căn hộ, Vân Anh thuê nhà để sinh sống một mình. Căn chung cư mini rộng 30-40 m2 có giá hơn 7 triệu đồng/tháng. Có nhà riêng, cô dùng số tiền thuê nhà nhằm mua sắm nội thất, vật dụng cần thiết.
“Cuộc sống ở thành phố ngày càng đắt đỏ. Nhờ bố mẹ hỗ trợ để sở hữu nhà sớm, tôi yên tâm hơn phần nào”, cô chia sẻ.
Tiêu dùng ra sao?
Love Frankie, tổ chức nghiên cứu và thay đổi xã hội vùng, và Công ty nghiên cứu IRL (Indochina Research Ltd) công bố báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam. Khảo sát được thực hiện trên 1.200 đáp viên 16-30 tuổi sinh sống tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang...
Theo đó, 78% người được hỏi cho biết thích hoặc đã chuyển tới sinh sống tại đô thị lớn là Hà Nội hoặc TP.HCM. Trong đó, TP.HCM được các đáp viên ưa thích hơn. Lý do được đưa ra bởi họ nhìn thấy nhiều cơ hội việc làm ở đó (52%) so với ở Hà Nội (36%).
Tuy nhiên, khi chỉ sống một mình tại đô thị trong giai đoạn dịch bệnh và lạm phát, người trẻ đối mặt nhiều khó khăn. Đặc biệt, về khía cạnh kinh tế, họ buộc phải có kế hoạch chi tiêu chặt chẽ hơn nếu không nhận được sự hậu thuẫn từ cha mẹ, gia đình.
Trao đổi với Zing, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán tại Đại học Bristol (Anh), cho biết người trẻ dưới 30 tuổi thường có xu hướng chi tiêu cho nhu cầu bản thân và bù trừ bằng thẻ tín dụng, do đó ít quan tâm đến tài chính cá nhân.
"Không khó để bắt gặp những nhân viên văn phòng mỗi ngày chi tiền mua sắm với suy nghĩ đó chỉ là khoản tiền nhỏ. Dù vậy, khi tổng hợp lại, không ít người sẽ bất ngờ với số tiền đã tiêu", ông nói.
Tuy nhiên, lời khuyên của chuyên gia là chúng ta cần tập thói quen lên ngân sách hàng tháng, cố gắng cân bằng và bắt đầu tích lũy. Đây là những bước quan trọng tạo tiền đề để quản lý các giai đoạn sau hiệu quả.
Vậy, với khoản thu nhập cố định hàng tháng, người trẻ cần chiến lược tiêu dùng, tiết kiệm ra sao để không rơi vào cảnh "cháy túi"?
Giải đáp cho bài toán này, ông Ngô Thành Huấn, Thạc sĩ chuyên ngành Hoạch định Tài chính cá nhân, Đại học Griffith (Australia), Thành viên Hội đồng chuyên gia - Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam VFCA, đưa ra 2 giả định như sau:
Trường hợp 1: Bạn 23 tuổi, độc thân, ở nhà thuê tại đô thị (Hà Nội/TP.HCM). Thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng.
Nếu có mức lương cố định 10 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc (con/em nhỏ hoặc phải hỗ trợ cha mẹ ở quê), người trẻ cần dành từ 1 triệu đồng/tháng cho việc tiết kiệm. Số tiền này nên được cho vào quỹ tích lũy ngay sau khi nhận lương.
Nếu không có người phụ thuộc, số tiền kiếm được chỉ hoàn toàn chi tiêu cho bản thân, ta có thể nâng mức tiết kiệm lên 2 triệu đồng/tháng.
Theo quy tắc chi tiêu 50-30-20 (50% thu nhập dành cho tiêu dùng thiết yếu, 30% cho nhu cầu cá nhân và 20% cho tiết kiệm, đầu tư), chúng ta sẽ có 5 triệu đồng để sử dụng cho việc thuê nhà, tiền chợ và sinh hoạt phí ở thành phố.
"Tuy nhiên, với thời giá hiện nay, tôi cho rằng con số đó là không hợp lý. Do vậy, bạn cần cắt giảm tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân (phục vụ sở thích, học tập...) để bù đắp thêm cho khoản tiền sinh hoạt. Có như vậy, bạn mới đảm bảo mức sống và duy trì được quỹ tiết kiệm", ông Huấn nói.
Đối với khoản tiết kiệm này, người trẻ nên xây dựng quỹ dự phòng khoảng 3 tháng chi tiêu. Tiếp theo, bạn cũng cần xem xét các cơ chế về bảo hiểm cho bản thân vì tài chính còn ít, càng cần phải đề phòng lúc ốm đau, tai nạn.
Trường hợp 2: Bạn 27 tuổi, đang hẹn hò, ở nhà thuê tại đô thị (Hà Nội/TP.HCM). Thu nhập mỗi tháng dao động 25-30 triệu đồng, có khoản trả góp 3 triệu đồng/tháng.
Lúc này, nếu có người phụ thuộc, chúng ta nên trích 20% vào quỹ tiết kiệm hàng tháng. Còn nếu chỉ "nuôi thân", con số này cần tăng lên 30%. Sau đó, ta trích vào tài khoản hưởng thụ 3-4 triệu đồng. Đây là số tiền có thể phục vụ cho việc học tập, mua sắm, đáp ứng sở thích.
Phần còn lại được dành cho sinh hoạt thiết yếu. Các khoản trả góp và chi phí dành cho việc hẹn hò được tính chung trong khoản này.
Về phần tiết kiệm, người trẻ vẫn cần xây dựng quỹ dự phòng và các cơ chế bảo hiểm trước rồi mới tính đến việc đầu tư.