Lê Kiên (quê Thái Nguyên) yêu thích Đà Lạt ngay từ lần đầu bước chân đến thành phố này cách đây hơn 10 năm. Anh ấp ủ kế hoạch chuyển tới đây sinh sống trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người, Kiên có không ít vướng bận về cuộc sống tình cảm, trách nhiệm công việc khi quản lý một nhóm nhỏ ở công ty công nghệ. Anh không thể cứ thế mà rời đi, cũng không tìm được người thay thế.
Lúc này, gia đình Kiên gặp một số ảnh hưởng về kinh tế. Bản thân anh liên tục xảy ra biến cố trong công việc suốt thời gian sau đó.
“Những đợt cách ly xã hội giúp tôi quan tâm hơn đến sức khỏe. Tôi cũng tham gia các diễn đàn ‘bỏ phố về rừng’ và tập thiền. Tất cả thôi thúc tôi trở về cuộc sống gần gũi thiên nhiên”, anh kể.
Giữa năm 2022, Kiên quyết định bán hết nhà cửa, rời Hà Nội sau 15 năm gắn bó để vào Đà Lạt sinh sống.
Lý do anh chọn thành phố này là khí hậu dễ chịu, được gần thiên nhiên và nhận thấy bản thân không còn phù hợp với sự ồn ào, náo nhiệt của đô thị. Anh cũng muốn thay đổi cuộc sống của bố mẹ sau nhiều năm gắn bó ở Thái Nguyên.
Khi Kiên chia sẻ mong muốn với gia đình, bố anh đồng ý ngay vì cũng yêu thích “thành phố sương mù”, còn mẹ vẫn do dự việc phải xa các cháu. Cuối cùng, bà vẫn chọn rời đi, trước chồng và con trai 2 tháng.
Tìm nơi yên bình
Trong hành trình tới Đà Lạt, Kiên cùng bố chạy xe từ Thái Nguyên hết gần một tuần. Đây là chuyến đi dài nhất của hai bố con và để lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Ở vùng đất mới, khó khăn lớn nhất của Kiên là tìm được vị trí thuận lợi cho cả nhà. Bản thân anh chuyển sang làm freelance (tự do), chuyên về marketing online và lập trình, có nhóm làm từ xa nên không ngại về địa điểm sống. Thế nhưng, bố mẹ anh lại cần nơi thuận tiện cho việc buôn bán nhỏ.
Ban đầu, mẹ Kiên kinh doanh ở trung tâm Đà Lạt, nhưng không bán được do cạnh tranh nhiều.
Sau khi xem xét khắp nơi trong gần một tháng, Kiên tìm được địa điểm cách trung tâm gần 10 km, có căn nhà gỗ và khu vườn nhỏ. Cả nhà quyết định dọn tới đây chỉ sau vài ngày.
Khu vực này khá vắng vẻ, không khí trong lành, người dân hòa nhã và sống chậm hơn, mức sống cũng tương đối thấp. Được nhiều người xung quanh giúp đỡ, việc buôn bán của mẹ Kiên dần thuận lợi.
Công việc hiện tại của Kiên khá tốt, thu nhập cao hơn thời điểm ở Hà Nội. Theo anh, tất cả nhờ chọn làm việc remote, không mở rộng nhân sự, kết hợp với nhiều nhóm khác và áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) từ khá sớm nên giảm được đáng kể khối lượng công việc.
Để giải tỏa nỗi buồn khi không có bạn bè xung quanh, Kiên thường chạy xe một mình lang thang trong rừng. Một lần, anh tình cờ gặp nhóm chạy môtô địa hình và được rủ đi chung. Từ đó, anh đến với đam mê mới mẻ này.
“Được trải nghiệm những cung đường nguyên sơ của Đà Lạt, không ít lần đối diện nỗi sợ khi vượt qua con dốc dựng đứng hay con đường khó tưởng tượng nổi, tôi thấy bản thân cứng cỏi hơn dù có khá nhiều thương tích”, anh kể.
Từ trải nghiệm của mình, Kiên có thêm công việc tay trái là tổ chức tour cho những người muốn nhìn ngắm Đà Lạt ở góc nhìn khác nhưng không thuộc địa hình của các khu vực ít người lui tới.
Với Kiên, cuộc sống hiện tại của gia đình rất yên bình. Bố mẹ khỏe mạnh, trong khi anh không còn áp lực công việc hay kinh tế, chẳng cần lo lắng cảnh tắc đường, không khí ngột ngạt của đô thị, được kết nối với nhiều người theo xu hướng sống xanh.
Kiên thấy may mắn khi có sự ủng hộ của bố mẹ khi họ sẵn sàng rời bỏ quê hương gắn bó hàng chục năm để đến một nơi khác. Anh biết nhiều người muốn “bỏ phố về rừng”, nhưng không thể đưa cả gia đình đi.
Ấp ủ lớn nhất của Kiên lúc này là sớm tìm mua mảnh đất phù hợp để xây dựng homestay theo hướng gần gũi thiên nhiên. Nhìn lại hành trình gần một năm qua, anh thấy mọi khó khăn đều là sự chỉ dẫn đến con đường phù hợp hơn.
Mượn câu nói trong cuốn sách Nhà giả kim, Kiên muốn nhắn nhủ tới những ai đang lưỡng lự trên con đường của mình: “Khi bạn khao khát điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”.