Sau khi các cổ đông ngân hàng SHB thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên và bầu bổ sung 4 nhân sự mới cho HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT SHB đã có phiên họp đầu tiên để thống nhất các chức danh đảm nhiệm.
Theo đó, HĐQT ngân hàng đã thống nhất bầu bổ sung 2 chức danh Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 với ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải.
Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SHB. Ông Vinh cũng chính là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB.
Tương tự, trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Đức Hải cũng là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc ngân hàng.
Theo giới thiệu của SHB, ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, có trình độ thạc sĩ Tài chính và quản trị tại University of East Anglia (Anh). Tân Phó chủ tịch HĐQT SHB đã có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng giữ vị trí Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế của Tập đoàn T&T trước khi tham gia điều hành tại SHB. Hiện ông là lãnh đạo trực tiếp triển khai chiến lược chuyển đổi toàn diện của ngân hàng này, bao gồm chuyển đổi số và ngân hàng số.
Về ông Đỗ Đức Hải, ông sinh năm 1982 và là cử nhân Tài chính - ngân hàng. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, từng đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh SHB Vạn Phúc từ năm 2021.
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của SHB diễn ra ngày 11/4, các cổ đông ngân hàng đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Võ Đức Tiến và ông Nguyễn Văn Lê. Đồng thời, bầu bổ sung 4 nhân sự là bà Ngô Thu Hà, ông Đỗ Đức Hải, ông Phạm Viết Dần và một thành viên HĐQT độc lập là ông Haroon Anwar Sheikh.
Hiện HĐQT SHB nhiệm kỳ 2022-2027 bao gồm 8 thành viên với ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch mới được bổ nhiệm là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải.
Liên quan các kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo SHB đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 2 kịch bản tương ứng với 2 hai mức tăng trưởng tín dụng 10% và 14%.
Cụ thể, với kịch bản tín dụng tăng 10%, SHB dự kiến tổng tài sản đến cuối năm nay sẽ đạt 600.106 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) sẽ đạt 456.180 tỷ, tăng 12,05% và dư nợ cấp tín dụng đạt 429.880 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng dự kiến thu về 10.285 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế theo kịch bản này, tăng 6% so với kết quả năm vừa qua.
Trong trường hợp dư nợ tín dụng năm nay tăng 14%, SHB dự kiến tổng tài sản sẽ là 606.500 tỷ đồng, tăng 10,1%; nguồn vốn huy động thị trường 1 sẽ là 467.291 tỷ, tăng 14,8% và dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm là 445.126 tỷ đồng.
Với các chỉ tiêu tài chính cao hơn, SHB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận theo kế hoạch này đạt 10.626 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2022.
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, lãnh đạo SHB cho biết quy mô cấp tín dụng của ngân hàng đã đạt khoảng 423.000 tỷ đồng và nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) đạt khoảng 440.000 tỷ đồng.
Cũng trong quý đầu năm nay, SHB đã đẩy mạnh chiến lược bán lẻ và gia tăng các nguồn thu dịch vụ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng thu về trong quý I đã đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Với kết quả này, SHB đã hoàn thành khoảng 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.