Thử nghiệm ChatGPT trong lĩnh vực y tế
Y tế và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực có thể sớm áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) rộng rãi. Đây cũng là lĩnh vực AI có nhiều khả năng bị lợi dụng và sử dụng sai mục đích.
Xét theo phương diện tích cực, ChatGPT ra đời là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ, nhờ trí tuệ nhân tạo và các công cụ hỗ trợ có thể giúp nâng cao chất lượng y tế trong tương lai.
Khi có trợ lý ảo này, nhân viên y tế sẽ có thêm công cụ hỗ trợ tìm kiếm thông tin, hình ảnh, video cho việc chẩn đoán bệnh hay các ca mổ nhanh hơn thay vì phải đọc tài liệu dàn trải. Từ đó, thuận tiện hơn trong việc cứu chữa bệnh nhân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về ảnh hưởng của ChatGPT trong lĩnh vực y tế, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Duy Đông - Bệnh viện Đa khoa Hà Thành – cho hay: ChatGPT có thể giúp mọi người tìm kiếm thông tin trong thời gian ngắn, song đây chỉ là một công cụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm thông tin ban đầu.
Theo giới chuyên gia, nguồn thông tin của ChatGPT vẫn nằm trong các kho trực tuyến, chẳng hạn như Google. Đối với những vấn đề có quá nhiều luồng dữ liệu và thông tin có thể sai lệch thì ChatGPT vẫn có nguy cơ cho ra các kết quả không chính xác.
Vì vậy, để theo kịp công nghệ hiện đại, mỗi cá nhân cần trau dồi kiến thức và kỹ năng trước khi sử dụng ChatGPT, để trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác kịp thời phát hiện, tránh chẩn đoán điều trị sai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Tìm hiểu phần nào vấn đề này, phóng viên thử nghiệm tìm hiểu một số bệnh thông thường với ChatGPT. Kết quả, chỉ trong vài giây đã cho ra ngay một loạt thông tin.
Tuy nhiên khi xem kết quả ChatGPT đưa ra, bác sĩ Lê Duy Đông lắc đầu: “Nếu người bệnh mà tin và dựa theo cách điều trị theo ChatGPT như thế này thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường…”.
ChatGPT không thể thay thế được bác sĩ
Giáo sư xã hội học đến từ Đại học Monash (Úc) - Alan Petersen – bày tỏ sự quan ngại trước bận tâm của nhiều người trong việc sử dụng ChatGPT và các công cụ tương tự để tự chẩn đoán, khám chữa bệnh. "Tôi không thấy được AI có thể thay thế bác sĩ trong tương lai, bởi giữa bác sĩ và bệnh nhân có những tương tác mà AI không thể sao chép được", giáo sư Alan Petersen nhận định.
Giáo sư Alan Petersen đồng thời cảnh báo, việc lên mạng internet để tự bắt bệnh là rất phổ biến. Nhiều người lên mạng ngay khi vừa có bệnh để tìm hiểu thêm về tình trạng của họ, tra thông tin và cách điều trị. Người ta tìm kiếm cách trị bệnh trên mạng với kỳ vọng có thể tìm ra "đường tắt" giúp đơn giản hóa những quyết định phức tạp.
AI chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi trong nhóm những người muốn tìm kiếm câu trả lời nhanh chóng liên quan đến việc điều trị bệnh, trong đó có nhiều tình trạng bệnh phức tạp. Người ta còn phải bàn nhiều về những nguy hiểm mà những phát minh như AI có thể gây ra, dù có nhiều hứa hẹn song cũng tiềm tàng những rủi ro.
Chung quan điểm với giáo sư Alan Petersen, nhiều ý kiến bày tỏ, ChatGPT chưa có khả năng phân tích tổng hợp để đưa ra chẩn đoán và điều trị dựa trên các triệu chứng từng cá thể.
ChatGPT cũng không có khả năng thăm khám để chẩn đoán xác định hay loại trừ. Thậm chí ngay cả người bệnh cung cấp thông tin về triệu chứng bệnh tật còn chưa chính xác dẫn đến những chỉ dẫn không có cơ sở.
Hiện tại, chưa có tổ chức y tế nào khuyên dùng ChatGPT trong lĩnh vực sức khỏe, song PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - vẫn khuyến cáo, với vai trò là công cụ tư vấn, công nghệ trí tuệ nhân tạo như phần mềm ChatGPT chỉ nên được xem xét trong việc hỗ trợ con người thu thập thông tin, kiến thức và đề xuất, tư vấn một câu trả lời phù hợp nhất theo quan điểm của bộ dữ liệu văn bản cực lớn ban đầu của OpenAI. Người dùng cần có tư duy phản biện, năng lực đánh giá nội dung thông tin và nên coi đó như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định.
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi đưa ra, tuy nhiên, với những phân khúc người dùng đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, dữ liệu sau năm 2021 thì ChatGPT không thể đáp ứng được yêu cầu công việc.