Doanh nghiệp

'Công dân tech' của Thung lũng Silicon sẽ về đâu

Nhiều công ty ở Thung lũng Silicon đang đổ xô đến Austin, Seattle, New York để tiếp cận vốn đầu tư dồi dào và tạo nên trung tâm công nghệ mới.

Là sinh viên khoa học máy tính, Alex Valaitis (28 tuổi) từng mơ ước một ngày nào đó sẽ được nhận vào Thung lũng Silicon. Không chỉ anh mà hầu hết bạn bè đều bị hấp dẫn bởi khu vực phía Nam của vùng vịnh San Francisco (bang California, Mỹ).

Nhưng sau 5 năm làm việc tại đây, Valaitis quyết định chuyển đến Austin vào tháng 6/2021 khi chứng kiến các cuộc di cư ồ ạt và tội phạm gia tăng trong thành phố.

Valaitis, nhà điều hành một studio sản phẩm Web3 và bản tin về trí tuệ nhân tạo, cho biết: “Tôi thích đặt cược vào sự tăng trưởng và Austin có yếu tố đó. Ngày càng có nhiều người đổ về đây mỗi tháng".

Thung lũng Silicon đã ngự trị trong nhiều thập kỷ với tư cách là “cái nôi của công nghệ” ở xứ cờ hoa, ngôi nhà của những gã khổng lồ như Apple, Google và Facebook, theo Yahoo News.

Tuy nhiên, hào quang đó đang dần suy giảm từ sau đại dịch, do các chính sách làm việc từ xa và hàng loạt vụ sa thải lớn. Điều này đã thúc đẩy quyết định ra đi của hàng trăm nghìn nhân viên và dọn đường cho việc đầu tư vào những trung tâm công nghệ khác trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là Austin và Miami.

Các thành phố công nghệ mọc lên

Theo dữ liệu từ PitchBook, Thung lũng Silicon vẫn xếp hạng đầu tiên vào năm 2022 về đầu tư vốn mạo hiểm và số lượng giao dịch.

Nhưng số tiền tài trợ cho các công ty ở Miami đã tăng gần gấp 4 lần trong 3 năm qua, đạt tổng cộng 5,39 tỷ USD.

Các khoản “rót vốn” của Austin cũng nâng lên 77% (khoảng 4,95 tỷ USD) với số lượng giao dịch tăng 23%.

Dữ liệu này cho thấy New York, Seattle, Philadelphia, Chicago, Denver và Houston cũng ghi nhận chiều hướng tương tự.

Nhưng những khu vực này vẫn còn nhạt nhòa so với “vùng đất danh tiếng của giới công nghệ thông tin”, nơi đã thu hút 74,9 tỷ USD đầu tư và 3.206 giao dịch vào năm 2022.

Thung lũng Silicon cũng là ngôi nhà của 86% startup, tăng từ 53% (năm 2022), được tài trợ bởi công ty tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinator.

Nhưng tỷ lệ trong tổng giá trị đầu tư vốn mạo hiểm đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Gần 250.000 người đã rời khỏi “thánh địa công nghệ” trong đại dịch, theo dữ liệu điều tra dân số từ đầu tháng 4/2020 đến đầu tháng 7/2022.

Những cơn "địa chấn" đánh vào Thung lũng Silicon khiến nơi này đang dần giảm nhiệt. Ảnh: The Economist.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, vị thế trung tâm của Thung lũng Silicon đã bị lung lay khi hứng chịu một số đòn giáng mạnh”, Mark Muro, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói.

Miami và Austin đều đang hưởng lợi từ những quy định ít hạn chế hơn trong đại dịch Covid-19.

Tiền điện tử và Web3 - một thuật ngữ rộng cho thế hệ tiếp theo của Internet sẽ mang lại cho mọi người nhiều quyền kiểm soát và sở hữu hơn - là động lực chính cho sự phát triển của đô thị ở Florida.

Ngoài ra, Kyle Stanford, nhà phân tích đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại PitchBook, nhận định Seattle ngày càng phất lên nhờ có Amazon và Microsoft ở sân sau, thu hút nhiều doanh nghiệp và cả công nghệ sinh học.

“Việc phân phối lại nguồn tài trợ chắc chắn đã bắt đầu. Cuộc tháo chạy của các startup và sự xuất hiện của công việc từ xa là chất xúc tác cho tốc độ tăng trưởng ở những thị trường nhỏ hơn”, Stanford nhận xét.

Cơ hội mới

Brianne Kimmel, người sáng lập công ty đầu tư Worklife Ventures, nhận thấy tình hình thay đổi ở Thung lũng Silicon khi nhiều nhân viên công nghệ rời khỏi San Francisco để đến Austin hoặc Seattle.

“Điều đó thực sự đã tạo ra cơ hội cho hacker trẻ tuổi, có chuyên môn kỹ thuật đến từ San Francisco. Nó mang lại cho thành phố một cá tính đã mất đi trong nhiều năm trước”, Kimmel chia sẻ.

Cô dẫn chứng về Cerebral Valley (tạm dịch: Thung lũng trí tuệ), nằm trong khu phố Hayes Valley, nơi thu hút cộng đồng khởi nghiệp với giấc mộng tạo nên một khu vực tập trung vào AI.

Kimmel so sánh cảm giác này với Thung lũng Silicon trong những ngày đầu của Internet, khi mọi người tụm lại để làm việc trong nhà để xe. Cô hy vọng sự phát triển của AI sẽ không chỉ mang đến động lực thúc đẩy năng suất mà còn tạo ra các khu vực đổi mới trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, các nhân viên công nghệ mong muốn trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp vẫn đổ xô đến Thung lũng Silicon.

Nhưng không giống như trước đây, nhiều công ty mới thành lập đang mọc lên ở những nơi khác, chẳng hạn như Seattle (phía tây tiểu bang Washington), nơi sản sinh ra các doanh nghiệp chú trọng vào cơ sở hạ tầng đám mây và công cụ dành cho nhà phát triển.

Giới công nghệ đang tìm những khu vực khác phù hợp hơn để phát triển về lâu dài. Ảnh: New York Times.

New York, nơi từng là mảnh đất màu mỡ cho AI, cũng được nhận được được sự quan tâm lớn.

“5 năm trước, 90% công ty được mở ra ở San Francisco. Bây giờ nó dường như giảm xuống còn 70%”, Bryan Offutt, đối tác tại Index Ventures, cho hay.

Atli Thorkelsson, phó chủ tịch mạng lưới tài năng tại Redpoint Ventures, cho rằng Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas, đã phát triển như một trung tâm tiếp thị, bán hàng và xây dựng nhóm khách cho các doanh nghiệp.

Còn “quả táo lớn” thì tận dụng nguồn lực hỗn hợp từ những người trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ y tế và kỹ thuật bảo hiểm.

Nhiều người thuộc thế hệ “công dân tech” tiếp theo vẫn muốn đến Thung lũng Silicon để tìm cách xây dựng công ty và tiếp cận nguồn tài trợ. Điều đó phụ thuộc vào tham vọng của từng cá nhân.

Đối với Kai Koerber, sinh viên năm cuối chuyên ngành khoa học dữ liệu tại Đại học California (Berkeley) và là nhà sáng lập startup Koer AI, Thung lũng Silicon vẫn là nơi anh muốn xây dựng công ty của mình.

Tuy nhiên, trong vài năm sau khi hoàn thành một số công việc cơ bản, chàng trai 22 tuổi hy vọng cùng các đồng nghiệp Gen Z chuyển đến New York.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cong-dan-tech-cua-thung-lung-silicon-se-ve-dau-post1422477.html?utm_campaign=zingwap&utm_medium=zalomsg&utm_source=zalo