“Nếu không đang xây dựng, chế tạo hay viết mã thì chính xác bạn đang làm gì?”
Đó là câu hỏi được đặt ra bởi một số thành viên thuộc giới tinh hoa của Thung lũng Silicon (Mỹ) - những người cho rằng làn sóng sa thải là hậu quả tất yếu của việc tuyển dụng quá nhiều và “giả vờ làm việc”.
Hiện tượng 'giả vờ làm việc'
Keith Rabois - một thành viên của PayPal Mafia, nhóm những cựu nhân viên của PayPal đang nắm giữ quyền lực và sức ảnh hưởng lớn tại Thung lũng Silicon - đã lên tiếng về tình trạng “giả làm việc” trong tuần này, Business Insider đưa tin.
Phát biểu tại một sự kiện do công ty ngân hàng Evercore tổ chức ở Miami (bang Florida), nhà đầu tư này cho biết các công ty công nghệ lớn đã tuyển dụng quá nhiều người để theo đuổi "số liệu phù phiếm" về quy mô nhân viên.
Họ thuê những người lao động tầm thường, thậm chí là vô dụng chỉ với mục đích trông khổng lồ hơn đối thủ. Họ cũng chạy đua cung cấp vô số đặc quyền nhằm giữ chân nhân viên không chạy sang đối thủ.
Trong bài phát biểu, Rabois thẳng thắn cho rằng hàng nghìn nhân viên ở Google và Meta được giữ lại chẳng để làm gì.
“Những nhân viên này không có việc gì để làm. Tất cả đều là công việc giả mà thôi. Khi mọi chuyện vỡ lở, chúng ta thực sự biết những người này làm gì - họ đi họp”, ông nói.
Quan điểm này được một số nhà đầu tư và người sáng lập giàu có bày tỏ sự ủng hộ. Do đó, họ coi làn sóng sa thải hàng loạt là cơ hội để thiết lập lại lĩnh vực công nghệ và quay trở lại guồng quay công việc.
Theo nhà đầu tư Rabois, tình trạng “giả làm việc” được thể hiện qua hình thức đi họp. Với tỷ phú Elon Musk, đó là không có mặt ở văn phòng hoặc chẳng tạo ra thứ gì. Còn với nhà đầu tư Marc Andreessen, đó là bất cứ thứ gì mà “tầng lớp laptop” làm, bao gồm giữ quan điểm phù hợp xã hội.
Thông qua tuyên bố của Andreessen, hay việc Musk yêu cầu đánh giá mã lập trình của các kỹ sư Twitter lúc 1h30 sáng, có thể thấy rõ cách họ nghĩ về giá trị thực sự của người lao động.
Đánh mất đặc quyền
Trước đây, các công ty công nghệ từng rất nỗ lực ngăn cản nhân viên chuyển sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, đến mức đưa ra những đặc quyền lố bịch và không cần thiết, theo Business Insider.
Trên mạng xã hội, một số người trẻ ở độ tuổi 20 đã đăng tải video về một ngày làm việc ở công ty công nghệ. Họ khoe mức lương cao và cả “khoảnh khắc chăm sóc bản thân” trong giờ làm.
Nhà đầu tư David Sacks, một thành viên khác của nhóm Paypal Mafia, đã tỏ ra không hài lòng với kiểu nội dung này. Tháng 8/2022, ông chia sẻ lại một video kèm theo lời nhận xét mang tính mỉa mai: “Thế có ai vẫn còn làm việc không?”.
Dưới phần bình luận, tỷ phú Musk, bạn của Sacks, đã trả lời bằng một biểu tượng cảm xúc (emoji) vừa khóc vừa cười.
Musk được cho là CEO tàn nhẫn nhất khi cắt giảm số lượng nhân sự mà ông cho là dư thừa. Tính đến cuối tháng 2, sau 8 đợt cắt giảm, Twitter chỉ còn gần 2.000 nhân viên, giảm khoảng 7.500 người trước khi tỷ phú này tiếp quản.
Bên cạnh đó, ngay khi ngồi vào vị trí CEO Twitter, Elon Musk đã yêu cầu nhân viên phải cam kết trở nên “rất chăm chỉ”, đồng thời ưu tiên kỹ sư công nghệ hơn nhân sự ở các phòng ban khác, như chính sách, marketing và pháp lý.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ còn tồn tại hiện tượng nhân viên “rest and vest” - những người lao động gần như chẳng làm gì tại những công ty công nghệ lớn, chỉ chờ nhận cổ phần của mình để rời đi.
Họ từng thỏa thuận phải làm việc cho công ty trong khoảng thời gian nhất định trước khi có thể sử dụng hoặc bán cổ phần.
Một số ý kiến khác cho rằng tình trạng “giả làm việc” là không có thực, đặc biệt ở hầu hết công ty khởi nghiệp.
“Thật dễ để trốn trong công ty lớn. Nhưng với một công ty mới thành lập, rất khó để giả vờ làm việc”, Eugene Malobrodsky, đối tác của nhà đầu tư giai đoạn đầu One Way Ventures, công ty hỗ trợ nền tảng tài chính công nghệ Brex, cho biết.
Ông nói thêm: “Đó là một niềm tin sai lầm khi nói rằng nhiều người giả vờ làm việc, đặc biệt khi các công ty đã triển khai nhiều công cụ giám sát nơi làm việc”.
Thế nhưng, dù không công khai ủng hộ hay thậm chí bất đồng quan điểm với Musk, Rabois và Sacks, sự thực là nhiều CEO công nghệ đang tiếp bước Twitter để cắt giảm nhân sự.
Khoảng 70% trong số những người bị sa thải ở Meta làm việc ở các bộ phận như tuyển dụng, sản phẩm, tiếp thị, vận hành, thiết kế và bán hàng, Chỉ có khoảng 22% đến từ đội ngũ kỹ sư.
Có lẽ, cuộc sống tốt đẹp của các nhân viên công nghệ thực sự đã đến hồi kết thúc.