Brandi Susewitz (49 tuổi) chạm vào đường khâu trên một cặp ghế Arne Jacobsen màu đỏ tươi rồi thông báo cho khách hàng chúng có giá khoảng 5.000 USD mỗi chiếc.
Bộ ghế còn mới toanh, được đặt trong khu vực lễ tân của công ty phần mềm Sitecore ở trung tâm thành phố San Francisco (Mỹ).
Trisha Murcia, quản lý của Sitecore, cho biết cô là người duy nhất từng ngồi lên chúng. “Thật sự rất buồn. Họ mở trụ sở này vào năm 2018, sau đó Covid-19 thì bùng phát”, cô nói.
Murcia dẫn Susewitz đi dạo xung quanh để tiếp tục định giá.
Vừa tham quan, họ vừa nói về những chỗ ngồi ở quầy bar chưa bao giờ sử dụng, màn hình TV 90 inch, bàn phòng hội nghị sáng bóng và ghế họa tiết từ nhà bán lẻ Blu Dot.
Susewitz còn chú ý đến những chiếc bảng trắng, được trang bị bút dạ, tẩy và các dãy bàn Knoll có thể điều chỉnh độ cao cũng trong tình trạng phủ bụi.
Cô tiến hành đo đạc, chụp lại các đồ vật và ghi chú tên thương hiệu. Sau một hồi cân nhắc, Susewitz cho biết Reseat, doanh nghiệp bán lại đồ nội thất văn phòng của cô, sẽ lấy tất cả.
“Chúng ta nên tìm một ngôi nhà mới cho những thứ này”, cô bày tỏ.
Văn phòng ảm đạm
Brandi Susewitz, nhà sáng lập Reseat, là một trong những chuyên gia hậu trường ở Bay Area.
Như nhiều nhà thanh lý chuyên nghiệp, người bán hàng rong trên Craigslist, cô cũng đang đang tận dụng suy thoái kinh tế và làn sóng các công ty công nghệ thu hẹp không gian vật lý sau đại dịch để kinh doanh.
Không nơi nào thừa đồ đạc như ở San Francisco (tiểu bang California), theo New York Times. Theo công ty bất động sản CBRE, các nhân viên thuộc lĩnh vực này quay trở lại văn phòng chậm nhất trong thành phố.
Số liệu từ công ty an ninh tòa nhà Kastle chỉ ra rằng tỷ lệ lấp đầy ở San Francisco vào cuối tháng 1 thấp hơn 4% so với mức trung bình của 10 thành phố hàng đầu nước Mỹ.
Các công ty thuộc mọi quy mô, bao gồm PayPal, Block và Yelp, đang dần bỏ trụ sở đắt tiền ở trung tâm hoặc thu hẹp diện tích văn phòng của họ để giảm thiểu chi phí.
Những gã khổng lồ công nghệ như Google và Salesforce, cùng với các doanh nghiệp nhỏ hơn như DoorDash và Wish, tiến hành sa thải diện rộng, cắt giảm hơn 88.000 người lao động ở “thành phố bên Vịnh”, theo Layoffs.fyi.
Một số start-up đã đột ngột phá sản trong khi những nơi khác chỉ mở một chi nhánh tạm bợ, không sử dụng đồ nội thất hàng hiệu.
Tháng trước, Twitter tổ chức một cuộc đấu giá công khai các vật dụng sau khi đuổi việc hàng nghìn nhân viên. “Chú chim xanh", thuộc sở hữu của Elon Musk, đã có lúc ngừng trả tiền thuê mặt bằng.
Martin Pichinson, người sáng lập Sherwood Partners, công ty tư vấn giúp tái cấu trúc start-up thất bại, cho hay ông đang thuê thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Theo Sherwood, bối cảnh hiện tại không nghiêm trọng như sự sụp đổ của dot-com vào đầu những năm 2000 nhưng mọi người đang hành động như thể các doanh nghiệp sắp lụi tàn.
Điều đó dẫn đến rất nhiều đồ nội thất bị bỏ quên, phần lớn trong số đó đều mang tính thẩm mỹ, trẻ trung với màu sắc tươi sáng và hình dáng hiện đại.
Khi bong bóng dot-com vỡ, những người thanh lý đã lấp đầy kho hàng của họ bằng các chiếc ghế đen phổ biến của giới công sở. Giờ đây, hình ảnh đồ đạc bị xếp chồng lên nhau đã gợi nhớ lại những ký ức đầy kinh hãi đó.
Trên trang Craigslist, nhiều loại ghế như vậy đang được rao bán rộng rãi. Người mua có thể lựa chọn sản phẩm từ ảnh chụp trong nhà kho. Một số được bán với giá chỉ khoảng vài trăm USD.
Theo New York Times, điều này là một lời nhắc nhở: Thung lũng Silicon là nơi làm giàu nhưng cũng khiến bất kỳ ai phá sản. Những người sống ở đây đều trong tình trạng hối hả, dám nghĩ, dám làm. Họ không nhìn thấy gì ngoài cơ hội, ngay cả trong đống đổ nát.
Các gã khổng lồ bỏ đi
Susewitz làm việc trong lĩnh vực nội thất văn phòng từ năm 1997 và trở thành đại diện dịch vụ khách hàng tại Lindsay-Ferrari, một đại lý ở bờ Tây nước Mỹ, hiện được gọi là One Workplace.
Susewitz chia sẻ sự trồi sụt của ngành công nghiệp này khiến cô cảm thấy khó chịu khi nhiều công ty bỏ đi những vật dụng lâu bền mỗi khi chuyển trụ sở.
“Họ thường đợi đến phút cuối cùng mới xử lý đồ đạc. Điều đó khiến chúng có nhiều khả năng bị vứt vào sọt rác hơn”.
Vào cuối những năm 1990, khi dot-com bùng nổ, Susewitz đã xây dựng một thị trường trực tuyến cho sản phẩm đã qua sử dụng.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, Susewitz làm việc trong lĩnh vực bán hàng, phát triển kinh doanh và trang bị cho các doanh nghiệp những sản phẩm từ “5 ông lớn” trong ngành nội thất - Steelcase, MillerKnoll, Haworth, Allsteel và Teknion.
Khi đại dịch ập đến, kế sinh nhai của cô bị hoãn lại. Khi chứng kiến những bộ bàn ghế hầu như chưa được sử dụng bị bỏ một góc, cô đã tạo ra Reseat để giúp các công ty thanh lý chúng.
Reseat sử dụng một hệ thống quản lý hàng tồn kho theo dõi “vòng đời” của các mặt hàng để có thể nhanh chóng chia sẻ thông số kỹ thuật của sản phẩm, giúp hàng hóa dễ bán hơn.
“Mục tiêu của chúng tôi là bán càng nhanh càng tốt. Một khi nó nằm trong nhà kho, giá trị sẽ giảm mạnh và mau chóng bị đóng bụi”, Susewitz nói.
Vào tháng 12/2022, Reseat được thuê để thanh lý hơn 900 bàn làm việc, 96 ghế văn phòng, 40 băng ghế, 24 ghế sofa và 84 tủ tài liệu tại một công ty ở Santa Clara, Calif.
Trước đại dịch, Sitecore mở rộng không gian nhanh chóng đến mức phải thuê thêm nửa tầng của một tòa tháp.
“Nhưng khi Covid-19 đến, nơi này không khác gì thị trấn ma. Chúng tôi đang trả số tiền quá lớn cho một tầng không ai sử dụng”, Brad Hamilton, người đứng đầu bộ phận bất động sản và cơ sở vật chất của công ty, bày tỏ.
Ngoài ra, khi công việc từ xa phát triển, ngày càng có nhiều người sắm sửa cho góc làm việc, đầu tư ghế đẹp hơn để họp hành.
Vào tháng 1/2023, Gilad Rom (43 tuổi), kỹ sư phần mềm ở Los Angeles, đã quyết định nâng cấp văn phòng tại nhà.
Sau một hồi tìm kiếm trên Craigslist, anh cũng nhìn trúng chiếc ghế Aeron được bán ở thành phố Culver, Calif. Rom chia sẻ hình ảnh khu làm việc mới của mình lên mạng và thu hút rất nhiều lượt tương tác.
Wannasofa, một cửa hàng đồ nội thất cũ, đã nhận được hàng trăm cuộc gọi sau bài đăng của Rom. Nhờ thế, chủ tiệm quyết định giảm giá cho anh 25%.