Ngày 15/6, tại Buổi giám sát của HĐND thành phố về Chương trình nhà ở, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM đề xuất, trong bối cảnh thành phố có quỹ đất nhưng thiếu vốn để đầu tư xây dựng nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ … ở các khu công nghiệp. Trong khi, công đoàn có kinh phí để thực hiện đề xuất này.
Khảo sát về nhà cho thuê do Sở Xây dựng TP.HCM thực hiện cuối năm 2021 cho thấy lao động nhập cư chủ yếu sống trong nhà trọ do người dân đầu tư. Toàn thành phố có gần 100.000 nhà trọ với trên 600.000 phòng cho thuê, cung cấp chỗ ở cho hơn 1,7 triệu người. 50% trong số này là công nhân làm việc ở các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp.
Với thu nhập hiện tại, phần lớn công nhân khó mua được căn hộ giá 1-1,6 tỷ đồng để an cư lập nghiệp. Song rất nhiều công nhân, người lao động có nhu cầu thuê chỗ ở đàng hoàng, giá phù hợp.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, do hạn chế về ngân sách, các dự án nhà ở xã hội, lưu trú dành cho công nhân tại TP.HCM rất khiêm tốn, phần lớn dự án là của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2020, nhà ở xã hội có vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 4% (620 căn hộ), còn lại là vốn doanh nghiệp chiếm đến gần 96% (hơn 14.300 căn). Một dự án nhà lưu trú công nhân cũng do công ty tư nhân đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch HĐND thành phố cho rằng đề xuất TP.HCM phối hợp công đoàn xây nhà cho công nhân thuê phù hợp trong điều kiện hiện tại. Thành phố có quỹ đất, công đoàn có kinh phí, hai bên cần sớm triển khai để tạo chỗ ở an toàn, đạt tiêu chuẩn, giá hợp lý cho công nhân.
Tháng 4 vừa qua, TP.HCM đã khởi công xây dựng 1.300 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn thành phố gồm dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) với số lượng căn hộ là 360 căn, dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) với 242 căn và dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) với 726 căn.