Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp giảm đơn hàng.
Hỗ trợ một lần bằng tiền mặt
Đề xuất được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết được cơ quan này đưa ra trong bối cảnh cuối quý 3, đầu quý 4/2022, do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng kinh tế thế giới và khu vực, rất nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay bị cắt giảm đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động.
Thời gian qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn các cấp tổng hợp, có báo cáo nhanh về tình hình đời sống việc làm của người lao động, qua đó ghi nhận khoảng nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, như giãn việc, nghỉ việc luân phiên, tạm chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên đối tượng chấm dứt hợp đồng phải tìm công việc mới không nhiều, đáng lưu ý là nhóm bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên.
Trước bối cảnh đó, cuối năm 2022 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, trong đó những đối tượng khó khăn do bị giảm đơn hàng, thu nhập thấp được hỗ trợ tối thiểu mức 500.000 đồng. Tới đây trên cơ sở tổng hợp, công đoàn cũng đang nghiên cứu tiếp để có gói hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khi bị thiếu việc làm, cắt giảm, mất việc.
“Chúng tôi dự kiến đối tượng bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm sẽ hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người. Đối tượng tạm chấm dứt hợp đồng hỗ trợ một lần với mức khoảng 2 triệu đồng. Còn đối tượng cắt giảm việc làm, nhưng có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ. Vấn đề này đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu kỹ", ông Phan Văn Anh thông tin.
Ngoài gói hỗ trợ riêng của công đoàn, cơ quan này cũng đề xuất các bộ, ngành cùng nghiên cứu tiếp tục đề xuất Chính phủ có một chính sách hỗ trợ giống như Nghị quyết 68, khi hết năm 2022 Chính phủ sẽ dừng không thực hiện kéo dài thêm chính sách này.
Theo các chuyên gia, việc có chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi gần Tết đến là rất cần thiết, song việc thiết kế chính sách cần nhanh nhưng vẫn đảm bảo trúng đối tượng.
Đơn giản việc thiết kế chính sách
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, trước đây các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đều do thiếu cơ sở dữ liệu, trong khi đây là yếu tố mang tính chất quyết định từ khâu xây dựng chính sách, dự báo, cho đến triển khai.
Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu. Vấn đề nữa trong thiết kế chính sách theo ông Thọ trước đây là rất cầu toàn, chi tiết, cá biệt hóa đối tượng để tránh việc hưởng trùng, song điều này lại mang đến những khó khăn ngay từ khâu xây dựng chính sách.
“Bảo hiểm xã hội có cơ sở dữ liệu còn đỡ, nhưng anh dem dưới địa phương, ngành lao động rất vất vả trong khâu triển khai, tổ chức thực hiện, xác định đối tượng. Từ việc này mà khi phát sinh các chính sách mang tính chất cấp bách nên cân nhắc đơn giản hóa khâu thiết kế các gói hỗ trợ”, ông Đỗ Ngọc Thọ đề xuất.
Vì việc thiết kế chính sách quá phức tạp, đến khi tổ chức thực hiện phải mổ xẻ chi li từng đối tượng một gây khó cho cả cơ quan tổ chức thực hiện. Do đó, khi thiết kế chính sách cần cân nhắc theo hướng đơn giản hơn, thậm chí nếu vì thiết kế chính sách mà có những đối tượng được hưởng trùng cũng có thể phải chấp nhận để giải phóng bớt sức lao động cho lực lượng tổ chức thực hiện.
Trước đó, góp ý về việc xây dựng gói hỗ trợ mới cho người lao động tại Tọa đàm Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cũng cho rằng lần xây dựng chính sách này cũng có những cái khó do chưa đánh giá được tác động kỹ về mức độ ảnh hưởng, trong khi muốn đề xuất cơ chế chính sách trúng phải có cơ sở sát thực tế.
Chẳng hạn như số lao động bị giãn việc ở mức độ nào, nhiều hay ít, trong một ngày/một tuần ra sao để xác định là cực kì khó. Theo ông Lai, công đoàn có lợi thế là có hệ thống công đoàn cơ sở đến tận doanh nghiệp, vì vậy có thể nắm rất chắc tình hình giảm giờ làm, mất việc làm của người lao động. Còn các cơ quan nhà nước hiện vẫn phải chờ doanh nghiệp báo cáo lên, do đó, việc đánh giá tình hình chưa kỹ.
Bên cạnh đó, xu hướng sang năm 2023 về mức độ ảnh hưởng của việc sụt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, việc làm của người lao động vẫn là những dự báo cũng là những khó khăn khi đề xuất các gói hỗ trợ cũng như giải pháp. Trong bối cảnh này khó khăn này, trong khi chờ có thêm các chính sách hỗ trợ mới, doanh nghiệp và người lao động cần chủ động hơn, với doanh nghiệp là cố gắng sử dụng tối đa lực lượng lao động hiện có, trong điều kiện buộc cắt giảm lao động cần đảm bảo chế độ cho người lao động, tránh tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động.