Ngành công nghiệp in đối mặt với khủng hoảng
Báo Vedomosti (Nga) mới đây dẫn lời đại diện các hãng in và xuất bản của Nga cho biết, ngành công nghiệp này đang gặp rủi ro do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo ước tính, khoảng 90% thiết bị mà các nhà in của Nga sử dụng đến từ các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngành công nghiệp này hiện phải đối mặt với thâm hụt nặng nề do các nhà sản xuất từ chối cung cấp hàng hóa cho Nga.
Phần lớn các thiết bị từ máy in, máy đóng gáy cho đến các linh kiện thay thế cho máy móc, đến Nga từ Đức, Thụy Sĩ, Ý, Canada và Nhật Bản.
Theo Giám đốc nhà in Pareto-print, Pavel Arseniev, nhiều công ty đã chấm dứt hợp đồng với các nhà in của Nga sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra gói trừng phạt thứ năm vào ngày 8/4. Hạn chế này cấm Nga nhập khẩu các thiết bị và vật liệu in ấn khác nhau.
Nhiều nhà in của Nga bị thiếu linh kiện do lệnh trừng phạt của EU. Ảnh: RT
Oleg Novikov, người đứng đầu nhóm xuất bản Exmo-AST, nói rằng ngay cả thiết bị cũ cũng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt này, bao gồm cả máy in và dây chuyền chèn bìa cứng.
Hiện nay, có một số loại thiết bị, linh kiện thay thế vẫn được cung cấp thông qua hình thức nhập khẩu song song. Nhưng theo đại diện của Oktoprint Service, Larisa Danilova, đối với hầu hết các mặt hàng, phương thức giao hàng này sẽ không hoạt động.
"Mỗi máy in đều có số sê-ri riêng. Nhiều phụ kiện của họ là duy nhất và cũng có số sê-ri tương ứng. Điều này có nghĩa là từ dãy số này, nhà sản xuất có thể biết linh kiện cuối cùng sẽ được chuyển đến Nga và việc giao hàng có thể bị cấm", bà giải thích.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, Nga có thể mua thiết bị từ các nước châu Á như Ấn Độ nhưng phạm vi sản xuất của nước này không rộng bằng và bản thân thiết bị đôi khi kém tiên tiến về mặt kỹ thuật hơn so với các thiết bị tương đương từ châu Âu.
Mặt khác, Nga đang dần đảm bảo chuỗi cung ứng để cung cấp hàng tiêu dùng, bao gồm mực in, chất phủ, cao su in offset, hóa chất phụ trợ và các vật liệu khác nằm trong gói trừng phạt thứ năm của EU. Hiện Nga đang mua những mặt hàng này từ các nhà sản xuất ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá các sản phẩm này đã tăng 35-40% kể từ khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào tháng 4, do các vấn đề về nguồn cung nguyên liệu thô và chi phí hậu cần tăng.
Tuy nhiên, khủng hoảng nguồn cung có thể được giải quyết bằng cách tháo rời máy móc cũ và sử dụng linh kiện đã qua sử dụng. Hiện nay, nhiều nhà máy in vừa và nhỏ ở Nga đang đóng cửa, có thể cung cấp các thiết bị đã qua sử dụng. Có ý kiến cho rằng, Nga nên thành lập các doanh nghiệp in liên minh với Ấn Độ và Trung Quốc trong vòng 4 đến 6 tháng tới, với sự hỗ trợ của chính phủ.
Dù vậy, theo người đứng đầu nhà xuất bản Rothman Press Boris Kuznetsov, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt lên, đồng thời cảnh báo rằng giá sách ở Nga có thể tăng 20% do ngành in thiếu hụt nguồn cung.
Nhiều nhà máy methanol ngừng hoạt động
Sản lượng methanol ở Nga đã giảm xuống mức tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động của các nhà máy sản xuất, tờ Kommersant (Nga) đưa tin.
Việc ngừng giao dịch với các khách hàng ở châu Âu và nhu cầu nội địa giảm đang buộc các nhà sản xuất phải giảm đáng kể sản lượng và bán sản phẩm của họ cho khách hàng mới với giá thấp.
Theo cổng dữ liệu kinh tế TrendEconomy, năm 2020, Nga là nhà cung cấp methanol lớn thứ 4 thế giới, chiếm 10% lượng xuất khẩu toàn cầu. Các nhà nhập khẩu methanol lớn nhất bao gồm Mỹ, Ấn Độ v.v....
Metanol là loại cồn đơn giản nhất có thể thu được từ khí tự nhiên và có nhiều mục đích sử dụng trong công nghiệp. Nó phục vụ sản xuất nhựa, sơn cũng như được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô và làm nhiên liệu.
Theo Kommersant, Nga có 9 nhà sản xuất methanol với tổng sản lượng hàng năm là 4,5 triệu tấn, gần một nửa trong số đó được xuất khẩu. Ngành công nghiệp này đã tăng trưởng nhanh chóng vào năm ngoái trong bối cảnh giá cả toàn cầu cao khiến các công ty Nga có kế hoạch mở rộng hơn nữa. Khách hàng chính của Nga là EU, và mặc dù bản thân methanol không bị trừng phạt thì việc vận chuyển bằng đường biển qua các cảng của EU đã trở nên khó khăn do các hạn chế vận chuyển mà khối này áp đặt.
Các nhà sản xuất methanol muốn tránh đóng cửa hoàn toàn các nhà máy vì việc khởi động lại chúng sẽ rất tốn kém, tuy nhiên, một số nhà máy đã bị đóng cửa một phần, Kommersant viết.