Đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động là 707 dự án, trong đó, có 305 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD; 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 238,5 triệu USD; xuất khẩu 3.124 triệu USD.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021); triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2 - 3 khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phấn đấu doanh thu đạt 8,2 tỉ USD; nộp ngân sách 229,4 triệu USD…
Theo Quyết định phê duyệt đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm: khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh, huyện Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp huyện Thường Tín.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Thành lập 2 - 5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025" nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp về rà soát, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.
Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhờ các lợi thế đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hà Nội tại văn bản số 2376/TTg-KTN ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020; trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 17 khu công nghiệp.
Trong đó, có 9 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy gần đạt 100%, khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 đang tích cực thu hút nhà đầu tư. Quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp gần như không còn, trong khi nhu cầu về đất phục vụ sản xuất công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất tiếp tục tăng cao.
Các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm cho người lao động; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách Thành phố trong giai đoạn tới.
Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1,347,42ha; trong đó, có 09 khu công nghiệp, với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% như: khu công nghiệp Thăng Long, diện tích 274 ha; khu công nghiệp Nội Bài, diện tích 114ha; khu công nghiệp Nam Thăng Long, diện tích 31,5 ha; khu công nghiệp Quang Minh I, diện tích 407ha...