Theo Bloomberg, nhiều nhân viên thuộc bộ phận phát triển tính năng tự lái (Autopilot) tại Gigafactory ở Buffalo (NewYork, Mỹ) đã cho biết họ bức xúc vì bị "đối xử như robot" khi làm việc tại nhà máy. Đây cũng không phải lần đầu tiên nhân viên Tesla cố gắng để gia nhập công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi bản thân.
Trước đó vào năm 2017, Công đoàn ôtô tại Mỹ (UAW) đã thực hiện khảo sát tại Tesla Gigafactory California (Mỹ) về tình trạng làm việc của người lao động. Sau đó, Ủy ban Quan hệ lao động Quốc gia đã phán quyết Tesla vi phạm luật liên bang về việc "cưỡng chế thẩm vấn" các nhân viên, thậm chí đã sa thải những người không ủng hộ hãng.
Tesla đã phủ nhận toàn bộ hành vi và tiến hành kháng cáo. Năm 2022, Elon Musk tiếp tục gửi lời mời đến UAW nhằm tiến hành một buổi biểu quyết khác và đảm bảo sẽ không có hành vi cản trở thẩm vấn nào. Song UAW vẫn chưa chấp nhận lời đề nghị trên.
Những nhân viên tại nhà máy Buffalo cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn. Tesla cũng cần giảm bớt áp lực sản xuất và đảm bảo công việc để bảo vệ sức khỏe của nhân viên.
Một số nhân viên tại đây chia sẻ, Tesla thậm chí còn cài đặt thiết bị theo dõi số lần gõ phím của nhân viên nhằm đo lường thời gian làm việc của họ.
"Việc thành lập công đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu công ty bền vững. Từ đó, những nhân viên như tôi sẽ có quyền nói lên suy nghĩ cũng như đặt cho bản thân những mục tiêu dài hạn", trích bức thư một nhân viên của Tesla đã từng viết gửi đến bộ phận quản lý.
Hơn 1.900 nhân viên hiện làm việc tại nhà máy và hơn 800 nhân viên thuộc bộ phận Autopilot. Họ được trả mức lương từ 19 USD mỗi giờ và là bộ phận dẫn đầu công cuộc "đấu tranh" với Elon Musk nhằm thành lập công đoàn tại Tesla.
Đến thời điểm hiện tại, Elon Musk vẫn chưa lên tiếng về sự kiện trên hay bình luận gì trên nền tảng Twitter.