Sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.
Phát triển theo chiều rộng là chủ yếu
Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, trong khuôn khổ của Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, đại diện Bộ Xây dựng đã nhận xét rằng tỷ lệ đô thị hóa hiện đạt được khá thấp. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị…
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng các mô hình đô thị phát triển bền vững văn minh hiện đại vẫn chưa nhiều. Việc chỉnh trang cải tạo đô thị trung tâm, đô thị cũ bất cập trong cơ chế chính sách và lúng túng trong hình thức thực hiện.
Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Phát triển đô thị và tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn. Sự chênh lệch, khoảng cách giữa nghèo và giàu của cư dân đô thị ngày càng gia tăng, dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, dân số, lao động… nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả và tính bền vững của chất lượng đô thị trong các đồ án quy hoạch còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, sử dụng không gian ngầm, công trình ngầm đô thị chưa được chú trọng nghiên cứu triển khai. Mặt khác, phương pháp luận và luận về quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của các đô thị ở nước ta.
Tương tự, ông Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, đưa ra nhận định những nghiên cứu về hình thái chất lượng đô thị chưa được đổi mới toàn diện, hình thức phát triển vẫn tương đối lan tỏa phân tán.
“Theo kinh nghiệm của ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch Đầu tư, mô hình đô thị, mô hình quản lý đô thị ở Việt Nam đến nay không còn phù hợp, đã bộc lộ một số hạn chế phần nào làm cản trở quá trình phát triển kinh tế vai trò đầu tàu tác động tới sự phát triển của vùng… Hệ thống pháp luật về quy hoạch phát triển đô thị đầu tư, đầu tư công, đất đai xây dựng nhà ở chưa thống nhất và không đồng bộ, chậm được đổi mới”, ông Quảng chia sẻ.
Với những hạn chế nêu trên, các chuyên gia tham dự hội thảo đều cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lập quy hoạch đô thị chậm đổi mới thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn bất cập.
Mặt khác, thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị cũng thiếu đồng bộ và ổn định. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu quyết liệt. Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thống nhất…
Cần đổi mới tư duy
Để khắc phục những điểm còn tồn tại, theo ông Trần Ngọc Chính, cần đổi mới tư duy lý luận phương pháp quản lý, quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng cho sự phát triển. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước.
Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo; xây dựng và chuẩn hóa các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững trên phạm vi cả nước và cho từng vùng, địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Bổ sung thêm, ông Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch nông thôn quốc gia, nêu: Trong Nghị quyết 06, Bộ Chính trị chỉ rõ phải đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Tuy nhiên chuyên gia lưu ý: “Với tình hình hiện nay, khi siết lại việc phát triển đô thị một cách chặt chẽ để quản lý cho tốt, thì liệu siết quá có là tôn trọng quy luật thị trường không?”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định, mục tiêu của giai đoạn tới là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa phấn đấu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Xây dựng được 3-5 đô thị có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Những nhiệm vụ này có liên quan mật thiết đối với nhiệm vụ đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo sự thay đổi, đột phá toàn diện quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam. Để thực hiện tốt, việc nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị là cần thiết.
Chuyên gia dự báo đến năm 2035, khu vực đô thị sẽ là nơi lựa chọn định của phần lớn dân số thế giới. Quá trình đô thị hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo đó, đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lượng sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách bài bản, bảo đảm tổ chức không gian phát triển, dự trữ và bảo tồn hợp lý, tạo ra không gian sống chất lượng cao và hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái.
Quản lý phát triển đô thị song hành cùng quy hoạch đô thị để quản lý, đánh giá quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như quản lý các vấn đề đô thị khác. Quy hoạch và quản lý đô thị kém hiệu quả sẽ làm gia tăng những vấn đề của đô thị.