Điều chỉnh lại công thức tính giá cơ sở
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao việc Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022. Từ đó giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước chỉ giải quyết khó khăn tạm thời. Về lâu dài, Bộ Tài chính vẫn cần xem lại công thức tính giá cơ sở vì nhiều định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã thay đổi.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trên thực tế, các chi phí ảnh hưởng đến mặt hàng xăng dầu đã thay đổi rất nhiều thời gian qua. Trong khi đó, công thức tính giá cơ sở xăng dầu, lợi nhuận định mức, chi phí định mức của doanh nghiệp xăng dầu là mức đã được quy định từ cách đây 8 năm, không còn phù hợp.
Do đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính), cách thức tính toán để đưa vào giá hiện nay phải làm sao đảm bảo chi phí của các doanh nghiệp được tính đúng theo mức giá hiện hành.
"Bên cạnh đó, khi chúng ta đã điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước thì đương nhiên giá cơ sở sẽ thay đổi, bởi đây là 2 yếu tố cấu thành mức giá cơ sở này. Do đó, việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tăng 2 loại phí này mà yêu cầu giá cơ sở không đổi là không phù hợp!"
Ông Nguyễn Minh Hà – đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện tại trong giá cơ sở có chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Tuy nhiên không quy định mức thù lao sàn mà thương nhân đầu mối phải chia sẻ cho các doanh nghiệp là thương nhân phân phối hay thương nhân nhượng quyền. Do đó, nếu tăng chi phí định mức hoặc tăng lợi nhuận định mức thì phải quy định mức giá sàn cho thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền.
"Trong trường hợp Bộ Tài chính đồng ý tăng chi phí vận chuyển, tăng premium mà không tăng giá cơ sở thì lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền cũng không đúng thực tế, vì lúc đó thương nhân đầu mối cũng sẽ giao lại với chiết khấu rất thấp", ông Nguyễn Minh Hà thông tin thêm.
Đảm bảo nguồn tài chính cho doanh nghiệp
Đồng ý kiến, ông Bùi Đức Thiện – Giám đốc Công ty TNHH-VT-TM Phúc Đại An (Đồng Nai) cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước tại giá cơ sở xăng dầu vào kỳ điều hành ngày 11/10 tới trong khi giá cơ sở không thay đổi là không hợp lý.
Ông Thiện lý giải, để vận hành, một đại lý bán lẻ xăng dầu phải tốn chi phí ước tính bình quân trên lít xăng dầu gồm chi phí vận chuyển: 200 đồng/lít; chi phí nhân viên: 300-400 đồng/lít; chi phí hoạt động, khấu hao: 100 đồng/lít. Như vậy để đạt mức hòa vốn trung bình cần: 600 đồng/lít.
"Hiện nay, mức chiết khấu với các cửa hàng bán lẻ vẫn ở mức thấp, từ 50 – 100 đồng/lít. Hiện tại, mỗi tháng cửa hàng bán 100.000 lít xăng. Tính mức chiết khấu trung bình của tháng được 100 đồng/lít thì mức lợi nhuận đạt 10 triệu đồng. Số tiền này chỉ vừa đủ để trả chi phí vận chuyển, chứ chưa nói đến chi phí nhân viên, hoạt động, khấu hao. Đặc biệt là một số cửa hàng còn mất tiền thuê mặt bằng hoặc vay lãi ngân hàng để đầu tư mở cây xăng" - ông Bùi Đức Thiện phân tích.
Trên thực tế, hiện nay nguồn cung xăng dầu không thiếu. Tuy nhiên cửa hàng bán lẻ, thương nhân phân phối đang phải chịu lỗ nên không có nguồn tài chính để nhập hàng. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đảm bảo kinh doanh có lãi thì chắc chắn nguồn cung xăng dầu không thiếu.