Công ty CP xây dựng và Thương mại Lam Sơn (công ty Lam Sơn) vừa công bố Báo cáo tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước chỉ 15 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất cao nhất trong giai đoạn 2019-2022.
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết ngày 31/12/2022 tăng nhẹ lên 1.365,3 tỷ đồng, tương đương tăng 2,47% so với con số ở năm 2021 là 1.332,4 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu gồm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống 1,05 lần. Tương ứng, công ty Lam Sơn có hơn 1.433,6 tỷ đồng nợ phải trả.
Trở lại với tình hình kinh doanh các năm gần đây của công ty Lam Sơn có nhiều biến động. Cụ thể, năm 2019, doanh nghiệp sản xuất điện này báo lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 1.004 tỷ đồng; Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,77 lần, tương ứng nợ phải trả là 773,1 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục báo sau thuế chỉ còn 1 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2019. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp lại tăng vọt lên 1.195,6 tỷ đồng (tương đương tăng 19,08%).
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 0,77 lần lên 1,32 lần, tương đương nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 1.578,2 tỷ đồng.
Theo văn bản công bố từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX, ngày 7/7/2020, công ty Lam Sơn đã thực hiện một đợt huy động vốn với tổng giá trị 242 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, tuy nhiên thương vụ này đã bất thành.
Chỉ 1 tháng sau, vào ngày 29/8/2020, công ty Lam Sơn đã huy động thành công 1 lô trái phiếu với mã LAMSON.H.20.30.001. Lô trái phiếu được phát hành vào ngày 29/08/2020, đáo hạn vào ngày 29/08/2030 với lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9,5%/năm với tổng giá trị phát hành là 230 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là toàn bộ giá trị nhà máy thủy điện và toàn bộ quyền thụ hưởng của Chủ đầu tư đối với Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1&2.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã mua lại/ chuyển đổi/ hoán đổi 49,5 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Như vậy, lô trái phiếu đến thời điểm hiện tại còn lưu hành với tổng giá trị 180,5 tỷ đồng.
Về tình hình thanh toán lãi trái phiếu, trong năm 2022, doanh nghiệp thủy điện này đã tiến hành trả tổng số tiền lãi 13,7 tỷ đồng và 10,5 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu.
Theo tìm hiểu, mặc dù là chủ của loạt dự án nhà máy thủy điện quy mô lớn, song công ty Lam Sơn cũng như doanh nhân Trương Đình Lam vẫn là cái tên còn khá lạ lẫm với phần đông thị trường.
Hoạt động vào ngày 10/8/2007, doanh nghiệp có trụ sở chính được đặt tại số 234, ngõ 8, đường Chu Văn Thịnh, tổ 11, phường Chiềng Lề, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La.
Công ty Lam Sơn được sáng lập bởi 4 cổ đông là Trương Đình Lam (58,65%), Nguyễn Phương Diệu (29,33%), Phạm Anh Ngọc và Nguyễn Thị Hương (12,02%). Tại ngày 28/12/2018, công ty Lam Sơn có một đợt tăng vốn mạnh lên mức 2.650 tỷ đồng, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn 1.312,1 tỷ đồng.
Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển với việc đặt đại bản doanh tại Sơn La, doanh nghiệp của đại gia thủy điện cũng đã nhanh chóng khẳng định vị thế tại đây khi sở hữu một loạt các dự án thủy điện quy mô lớn với tổng công suất lên đến 108,4MW. Bao gồm nhà máy thủy điện Nậm Pia (công suất 15MW); Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1 & 2 (6,4MW); Nhà máy thủy điện Nậm Giôn (20MW); Thủy điện Sông Lô 4 (24MW); Thủy điện Sông Lô 8A&B (27 MW) và Thủy điện Nậm Hồng 1&2 (16 MW).
Trong đó nhà máy thủy điện Nậm Pia chính là dự án đầu tay của đại gia Trương Đình Lam, được khởi công vào năm 2007 và đi vào hoạt động hai năm sau đó (tháng 8/2009), có tổng công suất 15MW.
Để bổ trợ hoạt động cho công ty Lam Sơn, doanh nhân sinh năm 1964 này còn thành lập một loạt doanh nghiệp khác, bao gồm CTCP Thủy Điện Nậm Pia; CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện Nậm Hồng.