Theo Nikkei Asian Review, GoTo, nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử và siêu ứng dụng đến từ Indonesia, đã ghi nhận khoản lỗ ròng trong quý I giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.860 tỷ rupiah, tương đương 262 triệu USD. Doanh thu thuần cũng tăng tới 122,6% lên 3.330 tỷ rupiah, khoảng 227 triệu USD.
Theo ban lãnh đạo GoTo, tập đoàn đang đạt được nhiều tiến bộ về chỉ tiêu lợi nhuận. Quý I/2022, GoTo từng lỗ ròng tới 6.470 tỷ rupiah, tương đương 440 triệu USD.
CEO Andre Soelistyo cho rằng lỗ ròng giảm phần lớn nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm giảm số lượng nhân viên cũng như chương trình ưu đãi cho người bán và người dùng, tiếp thị sản phẩm hay chi phí công nghệ thông tin.
Riêng việc cắt giảm nhân viên đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 210 tỷ rupiah trong quý kinh doanh vừa qua.
“Cho đến nay chúng tôi đã xem xét và xác định cơ hội tiết kiệm chi phí trên hơn 15.000 đầu mục chi phí cố định”, vị lãnh đạo chia sẻ. Ông cũng cho biết chi phí hoạt động định kỳ đã giảm 460 tỷ rupiah, tương đương 17% so với quý IV/2022.
“Khoản tiền tiết kiệm từ các đợt thu hẹp quy mô nhân viên hồi tháng 3 sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh từ tháng 5 trở đi”, ông nói và cho biết GoTo đang phát triển dịch vụ giao hàng chặng cuối trong phân khúc thương mại điện tử để giảm sự phụ thuộc vào bên thứ ba. Đây cũng là động thái hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí.
Tháng trước, công ty thông báo cắt thêm 600 nhân sự sau đợt giảm 1.300 vị trí vào tháng 11 năm ngoái.
GoTo được thành lập vào tháng 05/2021 thông qua quá trình sáp nhập công ty gọi xe và giao đồ ăn Gojek với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia. Cả hai đều là những kỳ lân nổi tiếng của Indonesia, biến đây thành thương vụ M&A lớn nhất lịch sử “xứ vạn đảo”.
GoTo phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Indonesia vào tháng 4/2022. Dẫu vậy, việc kết quả tài chính luôn gây thất vọng khiến cổ phiếu hãng giảm sâu. Năm ngoái, công ty báo lỗ ròng 40.400 tỷ rupiah (2,74 tỷ USD), cao hơn 3 lần so với doanh thu khiêm tốn 11.300 tỷ rupiah (768 triệu USD).
Trong quý đầu tiên của năm 2023, các mảng kinh doanh chính của GoTo gồm dịch vụ theo yêu cầu (gọi xe, giao đồ ăn), thương mại điện tử, công nghệ tài chính và logistics đều báo lỗ EBITDA (trước thuế, phí và khấu hao).
Song, kết quả thực tế đều cho thấy sự cải thiện so với một năm trước, dẫn đầu là các dịch vụ theo yêu cầu của Gojek, với khoản lỗ giảm gần 90% xuống mức 200 tỷ rupiah. Nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và bộ phận fintech đều báo cáo tăng trưởng tổng doanh thu trên 20%.
“Chúng tôi tiếp tục đạt được tiến bộ đáng kể về khả năng sinh lời trong quý đầu tiên của năm 2023, với EBITDA được điều chỉnh cải thiện 67% so với cùng kỳ năm ngoái và 49% theo quý. Điều này đồng nghĩa chúng tôi đang đi được một nửa chặng đường hướng tới mức EBITDA đã điều chỉnh dương trong quý IV năm nay”, ông Soelistyo khẳng định.
Vị này cũng chia sẻ thêm việc tập trung vào những người tiêu dùng chất lượng cao, sinh lời cùng cách tiếp cận có kỷ luật về chi phí đã gia tăng đáng kể hiệu quả và đem lại cái nhìn lạc quan về tương lai của GoTo.
Thị trường Đông Nam Á đã chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt công ty công nghệ trong những năm gần đây như Grab hay Sea. Giống như GoTo, các ông lớn này cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm lợi nhuận nhưng đều đã đạt được tiến bộ nhất định.
Hơn tháng trước, Sea thông báo vừa đạt được lợi nhuận hàng quý đầu tiên sau 5 năm lên sàn nhờ nỗ lực tái cấu trúc bao gồm cắt giảm hàng nghìn việc làm và đóng băng tiền lương.
Trong khi đó, Grab đã thu hẹp khoản lỗ hàng năm xuống còn 1,74 tỷ USD vào năm 2022, cải thiện 51% so với một năm trước đó. Công ty dự kiến hòa vốn trên quy mô tập đoàn vào quý cuối cùng của năm nay trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh.