Virgin Orbit, công ty phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 4/4 do không đủ kinh phí vực dậy sau sự cố tên lửa hồi tháng 1.
Theo Reuters, công ty có trụ sở tại California (Mỹ) nộp đơn phá sản lên tòa án quận Delaware để xin bán tài sản. Vào tuần trước, Virgin Orbit đã sa thải khoảng 85% trong số 750 nhân viên.
"Chúng tôi tin rằng quy trình của chương 11 (trong luật phá sản tại Mỹ) là con đường tốt nhất để xác định và hoàn tất việc rao bán một cách hiệu quả, có giá trị", Dan Hart, CEO Virgin Orbit, cho biết.
Dựa trên hồ sơ xin phá sản, tài sản niêm yết của Virgin Orbit tính đến ngày 30/9/2022 là khoảng 243 triệu USD, tổng nợ 153,5 triệu USD.
Virgin Orbit lên sàn chứng khoán vào năm 2021 với số vốn huy động ít hơn 255 triệu USD so với dự kiến. Tách ra từ công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic vào năm 2017, Virgin Orbit chuyên phóng vệ tinh lên quỹ đạo thông qua tên lửa chở bởi máy bay Boeing 747 được chỉnh sửa.
Giải pháp phóng tên lửa bằng máy bay của Virgin Orbit được cho sẽ nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, sự thay đổi về nhu cầu phóng tên lửa và những đối thủ như SpaceX khiến Virgin Orbit chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Hồi tháng 1, chuyến bay thứ 6 của Virgin Orbit với tên lửa LauncherOne đã không thể đạt quỹ đạo mong muốn, khiến những vệ tinh tình báo của Mỹ và Anh rơi xuống biển.
Kể từ đó, Virgin Orbit gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ. Công ty phải tạm dừng hoạt động, cho hầu hết nhân viên nghỉ phép để tiết kiệm chi phí.
Năm 2021, Arqit Quantum và Virgin Orbit công bố thỏa thuận thực hiện 2 chuyến bay phóng vệ tinh, nhằm cung cấp dịch vụ mã hóa cho 5 quốc gia: Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Đến tháng 12/2022, Arqit Quantum rút khỏi thỏa thuận do đã có giải pháp mã hóa trên cơ sở hạ tầng mặt đất.
Ngày 3/4, giá trị thị trường của Virgin Orbit là 65 triệu USD, giảm mạnh so với mức 3 tỷ USD cách đây 2 năm. Hồ sơ phá sản cho thấy chủ nợ lớn nhất là Arqit với tiền cọc gần 10 triệu USD, tiếp theo là Lực lượng Không gian Mỹ, với khoản cọc gần 6,8 triệu USD cho những sứ mệnh phóng vệ tinh.
Tập đoàn Virgin của tỷ phú Branson sở hữu khoảng 75% cổ phần tại Virgin Orbit, trong khi quỹ đầu tư quốc gia Mubadala thuộc chính phủ Abu Dhabi nắm 17,9% cổ phần.
Virgin Investments, công ty con của Virgin Group, sẽ cung cấp 31,6 triệu USD để hỗ trợ tìm kiếm chủ sở hữu mới cho Virgin Orbit khi phá sản. Trước đó, Virgin Group đã đầu tư hơn 1 tỷ USD cho Virgin Orbit, bao gồm 60 triệu USD khoản vay bảo đảm kể từ tháng 11/2022.