Như VnEconomy đưa tin, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa công bố nhận được Thông báo ngày 25/07 của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai của CTCP Lilama 45.3 (L43). Về vấn đề L43 yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai do Đức Long Gia Lai nợ 31,4 tỷ đồng chưa trả được.
Báo cáo tài chính soát xét của L43 ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm gần 10 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp đôi so với báo cáo công ty tự lập.
Ở bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 là 340 tỷ đồng gấp 17 lần vốn chủ sở hữu 20,7 tỷ đồng giảm mạnh so với con số đầu năm 30,7 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân thua lỗ, theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, do các hợp đồng thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM vẫn đang tạm ngừng thi công do thủ tục pháp lý về giải ngân vốn chưa được tháo gỡ. Doanh thu tăng trưởng thấp, trong quý 2 công ty ký 1 hợp đồng xây lắp mới nhưng chưa triển khai thi công nên doanh thu sụt giảm, trong khi các khoản chi phí không giảm đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tại báo cáo, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các vấn đề không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để khẳng định được tính chính xác của chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Cụ thể, khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của công ty tại thời điểm 30/6/2023 là 161,8 tỷ đồng.
Một số khoản phải thu tồn đọng, quá hạn thanh toán 84,7 tỷ đồng nhưng kiểm toán không thu thập được bằng chứng liên quan đến đánh giá khả năng thu hồi công nợ của ban giám đốc.
Về các vấn đề này, L43 cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm một số công trình như: Công trình Hangar A75 phát sinh khối lượng chưa được bù giá, chưa có phương án xử lý tài chính 60,9 tỷ đồng. Công trình gang thép Thái Nguyên, dự án đang vướng giữa chủ đầu tư và tổng thầu MCC Trung Quốc nên chưa quyết toán được dự án, chi phí sản xuất kinh doanh còn treo 26,6 tỷ đồng; hai công trình nhiệt điện Thái Bình và thủy điện Dakre đang chờ quyết toán treo 14,4 tỷ đồng. Dự án chống ngập Tp.HCM đang tạm ngưng thi công nên còn 59,7 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6 công ty đang ghi nhận một số khoản thu quá hạn thanh toán với tổng giá trị lần lượt là 87,6 tỷ đồng và 84,7 tỷ đồng, khoản nợ phải thu quá hạn này bao gồm: Công ty Gang thép Thái Nguyên 34,5 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai 31,4 tỷ đồng. Tập đoàn Zephu Trung quốc đang nợ dự án thủy điện Bắc Mê và Thủy điện Đắc Pô Cô số tiền 3,8 tỷ đồng. Công ty gửi mail thanh toán nhưng nhà thầu chưa phản hồi.
Quay lại về vấn đề L43 yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai, Công ty cho biết hiện nay, Đức Long Gia Lai gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga-Ukraine kéo dài chưa hồi kết. Trong nước, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn khó khăn.
Tuy nhiên, Công ty đang khắc phục và tổ chức sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng.
Đức Long Gia Lai khẳng định: “Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Khoản nợ của L43 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0.3% tổng tài sản của Công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của Công ty, do đó, Công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản”.
Đức Long Gia Lai cũng cho biết đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho L43 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía L43 chưa đồng ý. Ngoài ra, Đức Long Gia Lai đang tập trung hoàn thành yêu cầu của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, xuất trình các văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan để làm rõ việc Công ty không bị mất khả năng thanh toán và đề nghị Tòa án trả lại Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của L43.