Đó là Sydney – nơi các công ty chứng khoán nổi tiếng như Citadel Securities, IMC Trading và Optiver đã thành lập văn phòng. Họ đang tuyển dụng ngày càng nhiều, nhưng chỉ những tân binh xuất sắc, có nền tảng toán học và khoa học mới nhận được khoản thù lao hậu hĩnh như vậy.
Sự bùng nổ của ngành tạo lập thị trường ở Sydney
Sydney đã trở thành một địa điểm ít ai nghĩ tới ở châu Á – Thái Bình Dương trong vai trò là một trung tâm giao dịch dựa theo công nghệ. Mảng này đang đi ngược lại với xu hướng cắt giảm lương, sa thải của ngành tài chính trên toàn cầu. Các nhà quan sát cho rằng thành phố này có các vị trí lương cao nhờ hệ thống trường đại học đào tạo ra những ứng viên thích nghi tốt với ngành, chính sách thuế thuận lợi và có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực giao dịch.
James Meade – trưởng bộ phận việc làm tại UNSW Sydney, một trong những trường đại học hàng đầu nước Úc, cho biết: "Các công ty giao dịch đưa ra mức lương cực kỳ hấp dẫn cho các ứng viên mới ra trường."
Theo Matt Culek, CEO của Citadel Securities do tỷ phú Ken Griffin thành lập, có thể sẽ tăng số lượng nhân sự tại Úc từ 50-100% trong 2 năm tới. Công ty hiện có hơn 60 người làm việc ở Úc. Các công ty cùng ngành ở Hà Lan là Optiver và IMC cũng đã mở rộng quy mô tại Úc, đang có kế hoạch tuyển thêm người.
Hoạt động tuyển dụng của các công ty này tập trung nhiều hơn vào việc giúp Úc trở thành một trung tâm cho các thị trường trong khu vực, vì có múi giờ thuận lợi với những nơi khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường lớn khác ở châu Á.
Ngành tạo lập thị trường cũng đang bùng nổ trên toàn cầu và các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng cả ở bên ngoài nước Úc. Nhân sự của các công ty Úc có thể nhận được mức lương tương tự ở một số thị trường khác. Tuy nhiên, điều khác biệt là một số công ty đã biến Sydney thành trung tâm hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương của họ.
Optiver – được thành lập tại Amsterdam bởi trader Johann Kaemingk và 2 người khác vào năm 1986, có khoảng 500 nhân sự ở châu Á – Thái Bình Dương làm việc tại Sydney. Theo Tristan Thompson, trưởng bộ phận giao dịch châu Á – Thái Bình Dương, công ty đã tuyển dụng số sinh viên tốt nghiệp và thực tập sinh lớn nhất từ trước đến nay trong vài năm qua.
IMC – bắt đầu hoạt động từ năm 1989, đã có mặt ở Sydney từ năm 2002 và hiện coi thành phố này là trụ sở chính ở châu Á – Thái Bình Dương. Khoảng 90% trong số hơn 300 nhân sự của công ty ở Sydney đều có "quê" ở châu Á – Thái Bình Dương. Công ty đang có kế hoạch tuyển dụng thêm khoảng 60 sinh viên tốt nghiệp trong năm nay, chuyên ngành thương mại và công nghệ, trên khắp khu vực.
Dù Citadel Securities đang tuyển dụng nhiều nhân sự hơn, thì Hong Kong vẫn là trung tâm ở châu Á – Thái Bình Dương của họ.
Sydney bắt đầu vận hành hoạt động giao dịch bằng máy tính từ những năm 1990, khi sàn chứng khoán Úc sở hữu một trong những thị trường quyền trọng lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, các công ty cũng đổ xô đến thành phố này, khi mức thuế được chiết khấu với doanh thu từ giao dịch ở nước ngoài. Ngoài ra, Sydney còn là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn.
Các nhà tạo lập thị trường nước ngoài cũng được hưởng lợi lớn từ những sinh viên tốt nghiệp ngành toán học, khoa học và kỹ thuật ở các trường đại học hàng đầu, như Sydney, UNSW Sydney hay Melbourne. Các trader cho biết, những sinh viên được tuyển dụng từ đại học của Úc rất xuất sắc trong việc xử lý các vấn đề mà họ gặp phải trong công việc.
Trader vừa làm, vừa được "hưởng" nắng và gió biển
Chưa dừng ở đó, Sydney đầy nắng và những bãi biển đẹp, chất lượng cuộc sống cao cũng giúp các trader giàu kinh nghiệm hài lòng khi chuyển công tác đến.
Tại Optiver, ngay cả "sếp" cũng mải mê lướt sóng trước khi vào giờ làm. Paul Hilgers – từng là giám đốc kinh doanh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã làm việc ở Sydney, sau đó thành giám đốc toàn cầu của Optiver, nhớ lại: "Lịch trình 1 ngày của tôi là dậy khá sớm, lướt sóng vào khoảng 6 giờ sáng. Tôi về nhà, mang theo một cốc café, lên xe scooter và đi đến văn phòng. Tôi vẫn nhớ về những ngày đó."
Các nhà tạo lập thị trường tư nhân đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Doanh thu của Citadel Securites đạt 7,5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, cao hơn cả ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group Inc., dù số nhân viên ít hơn 1/3.
Đầu tháng 12, Griffin đã đưa 10.000 nhân viên Citadel và gia đình của họ, đến từ New York, San Francisco, Paris, Zurich và nhiều thành phố khác, đến công viên Disney World trong 3 ngày để thành lập 1 năm "thắng lớn" và kỷ niệm 20 năm thành lập.
Quay trở lại với câu chuyện mức lương 400.000 USD, chỉ một số nhỏ sinh viên mới nhận được khoản thù lao này và một số công ty cũng không trả nhiều đến vậy. Trong khi đó, các ngân hàng Phố Wall trả mức lương cơ bản khoảng 100.000 – 200.000 USD cho một nhà phân tích.
Trên khắp Phố Wall, những kỳ vọng ảm đạm về tiền thưởng của nhân viên ngành ngân hàng đã trở thành sự thật, khi các thương vụ kinh doanh đang sụt giảm. Các công ty lớn như Goldman Sachs và Citigroup đang cắt giảm nhân sự. Cả các Big Tech bao gồm Amazon và Microsoft cũng sa thải hàng nghìn người.
Optiver trả tới 250.000 AUD cùng tiền thưởng cho một số nhà nghiên cứu định lượng mới, theo trang web việc làm Prosple. Theo ông Meade, hầu hết các sinh viên sau đại học của các công ty chứng khoán đều nhận lương hơn 200.000 AUD. Công ty này cũng có cung cấp rất nhiều tiện ích cho nhân viên, bao gồm bếp ăn miễn phí, thẻ hội viên mát-xa và tập gym.
Tại IMC, một nhà bếp mới đã được lắp đặt và công ty còn tuyển dụng cả đội pha chế trong năm nay. Nhân viên có thể thoải mái mặc đồ gì cũng được, thậm chí giám đốc điều hành cũng chỉ mặc áo hoodie có logo công ty vào mùa đông hay nhân viên mặc áo phông, dép tông đi làm.
Will Green, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại UNSW Sydney vào năm 2019, đã hoàn thành khóa thực tập tại Optiver trong thời gian nhận bằng và đã được mời ở lại làm việc. Anh cho biết nhiều người không hiểu anh làm những gì, đôi khi còn tưởng anh là… shipper. Green cho biết, thù lao ở công ty này tốt hơn so với một ngân hàng Phố Wall.
Dù hoạt động tạo lập thị trường đang bùng nổ, nhưng Sydney vẫn ở vị trí thấp hơn so với các khu vực khác ở châu Á khi xét về khía cạnh là một trung tâm tài chính. Thành phố này xếp thứ 13 trong Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu mới được công bố, Singapore và Hong Kong đứng thứ 3 và thứ 4.
Tham khảo Bloomberg