Lạm phát tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Ảnh: Bloomberg.
Theo CNBC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,2% trong tháng 7 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, đều khớp với dự báo của các nhà kinh tế Phố Wall.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư (14/8), CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,2% hàng tháng, đúng như dự báo.
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động cho biết mức tăng CPI tháng 7 so với cùng kỳ kể trên là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, trong khi mức tăng CPI lõi cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Theo đó, chi phí nhà ở tăng 0,4% là nguyên nhân gây ra 90% mức tăng lạm phát của tất cả mặt hàng. Giá thực phẩm tăng 0,2% trong khi giá năng lượng không đổi.
Sau thông tin về CPI tháng 7, các hợp đồng chứng khoán tương lai có xu hướng giảm nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chủ yếu tăng cao hơn.
Mặc dù lạm phát thực phẩm trong tháng này không cao, nhiều danh mục đã chứng kiến mức tăng đáng kể, đáng chú ý nhất là giá trứng với mức tăng 5,5%; ngũ cốc và các mặt hàng bánh mì giảm 0,5% trong khi sữa và các sản phẩm liên quan giảm 0,2%.
Các chỉ số lạm phát của Mỹ đã dần quay trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương nước này. Một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá sản xuất, thước đo lạm phát bán buôn, chỉ tăng 0,1% trong tháng 7 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ, mặc dù cơ quan này đã thận trọng khi không cam kết về một mốc thời gian cụ thể cũng như không suy đoán về tốc độ cắt giảm lãi suất có thể xảy ra.
Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 17-18/9. Đồng thời kỳ vọng lãi suất sẽ giảm nhiều hơn và ít nhất là 0,5 điểm % trong các động thái vào cuối năm 2024.
“Báo cáo CPI hôm nay đã xóa bỏ mọi rào cản lạm phát còn sót lại có thể đã ngăn cản Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu trưởng tại Principal Asset Management cho biết.
“Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy tính cấp thiết hạn chế đối với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản”, vị chuyên gia nói thêm.
Có một số luồng ý kiến trái chiều rằng báo cáo nói trên thực sự cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng ở một số lĩnh vực.
Giá ôtô tiếp tục giảm, với giá xe mới giảm 0,2% trong khi xe ôtô và xe tải đã qua sử dụng giảm 2,3% trong tháng và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm ôtô vẫn tăng thêm 1,2% trong tháng 7 và tăng 18,6% trong 12 tháng.
Về thành phần nhà ở, tiền thuê nhà đã tăng 0,4% theo tháng và tăng 5,3% theo năm, một lần nữa thách thức kỳ vọng của Fed về việc nới lỏng chi phí liên quan đến nhà ở.
Mặt khác, nhiều danh mục cho thấy dấu hiệu giảm phát trong tháng, bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế (-0,3%), hàng may mặc (-0,4%) và giá hàng hóa cốt lõi (-0,3%).